Ngày 29/5, IEEE thông báo tới khoảng 200 tạp chí khoa học rằng các nhân viên của Huawei có thể tiếp tục phục vụ trong ban biên tập nhưng không thể xử lý bất kỳ giấy tờ nào, theo Sciencemag. Tổ chức này sẽ xem xét lại lệnh cấm trên cho đến khi Mỹ gỡ bỏ lệnh trừng phạt đối với công ty viễn thông Trung Quốc.
Các nhà khoa học của Huawei có thể tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội, dự hội nghị và thuyết trình, gửi bài viết cho các tạp chí của IEEE hay tham gia các cơ quan lãnh đạo và quản trị. Tuy nhiên, nhân viên của Huawei không được truy cập vào các tài liệu được gửi đến IEEE cho đến khi nó được xuất bản.
Giới khoa học Trung Quốc đã bày tỏ sự phẫn nộ trên mạng xã hội sau quyết định của IEEE. "Tôi gia nhập tổ chức này với tư cách nghiên cứu sinh bởi IEEE được đánh giá là môi trường nghiên cứu quốc tế về kỹ thuật điện tử", Haixia Zhang thuộc Đại học Bắc Kinh viết trong thư gửi tới lãnh đạo IEEE. "Tuy nhiên, lệnh cấm đang thách thức tính chuyên nghiệp. Tôi đã quyết định rời ban biên tập của hai tạp chí IEEE cho đến khi tính toàn vẹn về chuyên môn của chúng tôi được khôi phục".
Trong phần giới thiệu, Viện Kỹ sư Điện và Điện tử (IEEE) tuyên bố là tổ chức kỹ thuật chuyên nghiệp lớn nhất thế giới, phát triển công nghệ với mục tiêu vì nhân loại. Với người dùng phổ thông, IEEE được biết đến gần gũi khi là tổ chức công bố các chuẩn Wi-Fi, chẳng hạn IEEE 802.11b (tên mới là Wi-Fi 1).
Lệnh cấm nhân viên Huawei mà IEEE là động thái tiếp theo sau khi Mỹ đưa Huawei vào danh sách "gây ảnh hưởng an ninh quốc gia". Trước đó, "gã khổng lồ" viễn thông Trung Quốc bị hàng loạt công ty hạn chế hoặc ngừng kinh doanh, trong đó có Google, Microsoft, Qualcomm, Intel, ARM...
Theo Bảo Anh (VnExpress.net)