Mới đây nhất, VP Bank vừa gửi đi cảnh báo cho biết, ngân hàng này và một số nhà băng khác đang bị gửi tin nhắn SMS giả danh để lừa đảo người dùng.
Nội dung tin nhắn có dạng: "Tài khoản của Quý khách vừa mở dịch vụ tài chính toàn cầu với phí dịch vụ hằng tháng là xxxVND sẽ bị trừ trong y giờ. Nếu không phải bạn mở dịch vụ, vui lòng nhấn vào link (có định dạng ví dụ như) vpbank.abc-tp.abclmn để hủy".
Ngân hàng này khẳng định những tin nhắn có nội dung thông báo về những sản phẩm, dịch vụ mà khách hàng không đăng ký đều là tin nhắn giả mạo, nhằm mục đích lừa khách hàng bấm vào link đính kèm tin nhắn và chiếm đoạt tiền trong tài khoản.
Thông thường, người dùng sẽ bị yêu cầu nhấp vào một đường link, sau đó nhập vào các thông tin ngân hàng và có thể bị kẻ xấu đánh cắp tiền trong tài khoản.
Không chỉ mạo danh ngân hàng, các đối tượng xấu cũng lợi dụng tên tuổi các công ty fintech để lừa đảo. Trong sáng 17/8, trong một nhóm người dùng MoMo phát đi cảnh báo cho thấy tên tuổi ví điện tử này cũng bị mạo danh với hình thức tương tự.
Kẻ xấu giả tên thương hiệu MoMo ở phần người gửi, sau đó nhắn tin SMS cho người dùng với nội dung tài khoản bị khoá, yêu cầu người dùng truy cập vào đường link để xác thực.
Các đối tượng vẫn sử dụng các đường link gây nhầm lẫn, trong trường hợp này là momovin.com, để tạo niềm tin cho người nhẹ dạ.
Tuỳ trường hợp khác nhau, khi click vào các đường link này, người dùng sẽ bị yêu cầu nhập thông tin tài khoản ví điện tử, thông tin tài khoản ngân hàng, hoặc tài khoản mạng xã hội... Sau đó, kẻ gian sẽ dùng nhiều cách khác nhau để chiếm đoạt tiền và tài khoản của nạn nhân.
Tất cả các ngân hàng và chuyên gia bảo mật đều khuyến nghị khách hàng không nên mở đường link lạ gửi qua tin nhắn nghi ngờ, tuyệt đối không cung cấp mã OTP và mật khẩu cho bất kỳ ai, nhằm bảo vệ tài khoản và thông tin cá nhân.
Theo báo cáo của Kaspersky, có đến 26,36% các nỗ lực lừa đảo tại Việt Nam vào tháng 4 vừa qua liên quan đến tài chính, nhắm vào ngân hàng, các hệ thống thanh toán và cửa hàng trực tuyến. Trong đó, lừa đảo thông qua các hệ thống thanh toán là trường hợp phổ biến nhất được phát hiện, chiếm 11,77% tổng số lừa đảo và hơn 44% trong số các loại lừa đảo tài chính.
Mặc dù vậy, tỷ lệ lừa đảo tài chính tại Việt Nam vẫn còn ở mức thấp so với trung bình ở Đông Nam Á (43,06%) và thấp nhất so với các nước được khảo sát trong khu vực.
Theo Hải Đăng (ICT News)