Chúng ta đều quá quen thuộc với việc liên tục ra mắt các mẫu smartphone từ phân khúc tầm thấp đến tầm trung của các nhà sản xuất như Xiaomi, Huawei hay Samsung. Ngay cả với dòng flagship, các nhà sản xuất này vẫn có hai mẫu sản phẩm được ra mắt vào hai thời điểm trong năm, Samsung với Galaxy S và Galaxy Note, Huawei với Huawei P và Huawei Mate hoặc Xiaomi với Xiaomi Mi và Xiaomi Mi MIX.
Còn với Google, điểm tương đồng là hãng cũng chỉ giới thiệu các mẫu Pixel mới mỗi năm một lần (ngoại trừ năm vừa rồi Google ra mắt thêm Pixel 3a), nhưng để mua được một chiếc Google Pixel không hề dễ dàng như iPhone. Đối với Apple, mặc dù chỉ có một sản phẩm mới ra mắt mỗi năm, nhưng Apple luôn tạo ra hiệu ứng truyền thông rất tốt. iPhone luôn chứng tỏ được sức nóng và dành được sự yêu thích trên khắp thế giới.
Đúng vậy, ít nhất tính đến thời điểm hiện tại, các điện thoại Pixel sẽ chỉ chính thức được bán tại 7 thị trường. Ngược lại, Apple mở bán iPhone tại hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ. Chiếc Galaxy Note của Samsung cũng chỉ kém đôi chút khi phân phối tại hơn 40 quốc gia.
Chiếc Pixel đầu tiên được Google trình làng lần đầu tiên vào tháng 10/2016, khiến nhiều người tò mò về vai trò của chếc điện thoại và chiến lược kinh doanh của Google. Hiện nay, một nghi vấn lớn được đặt ra: Mục đích sản xuất mẫu điện thoại Pixel là gì, bởi chúng chỉ được bán ở một số quốc gia với số lượng hạn chế.
Không vì lợi nhuận, vậy Google Pixel được tạo ra nhằm mục đích gì?
Thử nghiệm các tính năng mới của Android
Mục tiêu chính của Google là tạo ra các phần mềm, dịch vụ và dòng điện thoại Pixel đã đại diện cho quan điểm của công ty, đó là tối ưu trải nghiệm người dùng. Có thể nói, Pixel là smartphone được thiết kế để trải nghiệm phần mềm Android tốt nhất và ngược lại, Android cũng được nâng cấp để có hiệu suất tốt nhất trên Google Pixel.
Mỗi khi Google phát hành bản cập nhật Android mới, Google Pixel luôn là thiết bị được cập nhật đầu tiên, cho dù là bản beta hay bản chính thức. Đây có thể được xem là một thiết bị để Google thử nghiệm, nâng cấp và tinh chỉnh hệ điều hành tốt hơn trước khi được chính thức giới thiệu rộng rãi.
Ngoài ra, Google Pixel được cho là tạo ra nhằm trải nghiệm hệ điều hành Android trong điều kiện lý tưởng. Google trực tiếp sản xuất cả phần cứng và phần mềm cho thiết bị này nên chúng tương thích với nhau tốt nhất. Do đó, đây có thể được xem là thước đo chất lượng của Android, khi Google Pixel không hoạt động tốt, thì rất khó để smartphone từ các thương hiệu khác “chạy mượt”.
Tạo ra ảnh hưởng trên thị trường smartphone
Có lẽ khi quyết định sản xuất dòng máy Google Pixel, Google muốn chứng minh với thế giới công nghệ rằng: Để có thể sản xuất cho người khác sử dụng, tôi phải sử dụng nó trước, từ đó khẳng định chất lượng và tầm ảnh hưởng của Google trong làng di động. Không chỉ vậy, Google Pixel còn thể hiện hướng đi của Google.
Còn nhớ năm ngoái, Google đã quyết định thay tỷ lệ khung hình 16: 9 truyền thống bằng tỷ lệ khung hình 18: 9 trên Pixel 3 và 18,5: 9 trên Pixel 3 XL, đồng thời áp dụng thiết kế “tai thỏ” cho phiên bản XL. Có lẽ Google đang cố gắng ngầm thông báo cho các công ty khác sử dụng Android rằng, hãy yên tâm, Google sẽ tạo ra phần mềm và ứng dụng có thể chạy trên điện thoại với tỷ lệ màn hình dài hơn, ngay cả khi có “tai thỏ”, đây cũng là xu hướng mà Google hướng tới.
Đối với bất kỳ nhà sản xuất thiết bị Android nào, chi phí để điều chỉnh hệ điều hành cho phù hợp với bất kỳ cấu hình phần cứng nào của nó sẽ giảm đáng kể nếu cài đặt đó tương tự như Google Pixel. Bởi ngày nay, mọi nhà thiết kế ứng dụng đều có hướng dẫn của Google, dựa trên khung tham chiếu Google Pixel để có thể xây dựng và phát triển ứng dụng.
Bên cạnh đó, ngay cả khi không bán được hàng chục triệu chiếc điện thoại mỗi quý, Google vẫn tác động đến thị trường smartphone hoàn toàn nhờ vào sự tồn tại của Google Pixel, đặc biệt là chất lượng ảnh chụp.
Nói về chụp ảnh “thần thánh” không cần dùng app, không hãng điện thoại nào có thể vượt qua Google. Google Pixel không cạnh tranh về số lượng, sản phẩm này là biểu tượng cho sức mạnh của công nghệ.
Liệu Google Pixel có phải là chiếc smartphone chạy hệ điều hành Android duy nhất có thể cạnh tranh với iPhone?
Google là nhà sản xuất Android duy nhất kiểm soát thiết kế của cả phần cứng và hệ điều hành của điện thoại, tương tự như cách mà Apple đang làm. Sự tích hợp chặt chẽ giữa phần cứng và phần mềm luôn là một lợi thế lớn cho các thiết bị của Apple và Google.
Bộ xử lý A12 Bionic được thiết kế tùy chỉnh của Apple trong iPhone XS dành riêng một phần để tăng tốc các tác vụ AI, trong khi Google cũng có thể tạo ra chip Pixel Visual Core tùy chỉnh của riêng mình để thực hiện các tác vụ. Chụp ảnh nhanh hơn và chất lượng hơn trên Google Pixel 3. Tương lai của smartphone chính là sự kết hợp hiệu quả này.
Không đánh giá thấp nhưng hầu hết chúng ta phải thừa nhận rằng điện thoại Samsung, Huawei, LG hay Xiaomi khó có thể chạy mượt như iPhone, mặc dù chất lượng phần cứng rất tuyệt vời và cũng được cập nhật phiên bản hệ điều hành mới nhất.
Trong khi đó, ngay cả với cấu hình thấp (4GB RAM trên Google Pixel 3 XL), Google vẫn có thể làm nên điều kỳ diệu. Yếu tố tạo nên sự khác biệt chính là phần mềm AI tùy chỉnh độc quyền như hệ thống camera HDR +, sàng lọc cuộc gọi thông minh, v.v..
Công ty công nghệ Mỹ này thậm chí đã đánh bại iPhone của Apple về chất lượng ảnh, nâng cao vị thế cho các thiết bị sử dụng Android. Google đang chứng tỏ mình là một đại diện xứng đáng của Android để cạnh tranh với Apple. Dẫn đầu về công nghệ, Google sẽ làm được những việc mà các thương hiệu khác không thể.
Kết luận
Không cần quá phô trương hay sản xuất số lượng lớn, Google Pixel được tạo ra không phải để cạnh tranh về thị phần, Google ấp ủ chiến lược dài hạn hơn cho dòng smartphone này.
Thế giới công nghệ luôn háo hức mong chờ mỗi khi một thế hệ Google Pixel mới ra mắt. Năm nay cũng vậy, chúng ta hãy chờ xem Google sẽ mang đến những bất ngờ gì cho mẫu Pixel 4 vào tháng 10 này.
Theo Hoàng Trang (Ictnews.vn)