Theo các nhà phân tích Ivan Lam và Shengbao Bai của Counterpoint Research, nhiều nhà sản xuất thiết bị điện tử chủ chốt đang đẩy nhanh quá trình đa dạng hoá năng lực sản xuất toàn cầu, tận dụng triệt để các chính sách khuyến khích của địa phương. Đây là nỗ lực kéo dài trong nhiều năm, đã có từ trước Covid-19.
Các chuyên gia nhận định sự thay thế trực tiếp cho Trung Quốc sẽ không xảy ra trong một sớm một chiều. Tuy nhiên, những công ty lắp ráp như Foxconn hay Pegatron đang chuyển hướng để có thể xử lý các khâu lắp ráp và đóng gói cuối cùng ở bên ngoài Đại lục.
Theo báo cáo, Việt Nam - dù chưa thể sản xuất hoàn toàn iPhone, sản phẩm quan trọng nhất của “Nhà Táo”, cũng đã thu hút 21 đối tác cung ứng của Apple đến hoạt động.
Trong khi đó, nghiên cứu của Counterpoint cho hay, số lượng smartphone sản xuất tại Ấn Độ đã tăng 16% trong quý II năm nay, đạt hơn 44 triệu đơn vị.
Về phía Trung Quốc, theo dữ liệu từ Ngân hàng Thế giới (WB), lực lượng lao động của quốc gia này đang bị thu hẹp đáng kể. Công nhân lành nghề được đào tạo bài bản là “xương sống” cho sự trỗi dậy của Trung Quốc với tư cách là công xưởng của thế giới.
Nhằm giảm thiểu phụ thuộc vào các nhà máy riêng lẻ hoặc lao động tay nghề cao, Apple đã thực hiện thiết kế iPhone theo hướng mô-đun hơn để dễ dàng chuyển giao giữa các xưởng sản xuất.
Các chuyên gia nhận định độ phức tạp trong sản xuất đã được giảm đáng kể với dòng sản phẩm iPhone 14 và iPhone 14 Plus.
“Giờ đây các nhà máy tại Ấn Độ đã có thể sản xuất iPhone 14 gần như đồng thời với các cơ sở tại Trung Quốc. Dòng sản phẩm năm nay của Apple được sản xuất tại Ấn Độ nhanh hơn nhiều so với các thế hệ trước”, giới phân tích kết luận.
Theo Thế Vinh (ICT News)