Vẫn y nguyên
Trong sự kiện ra mắt iPhone 16, nâng cấp nổi bật nhất trên thế hệ mới là nút camera chuyên dụng với hàng loạt tính năng hay ho cho người đam mê chụp ảnh. Nhưng có một thứ khác vẫn như cũ mà Apple đã cố tình không nói đến.
Đó là cả màn hình trên iPhone 16 và iPhone 16 Plus với giá bán trên 20 triệu vẫn sử dụng tấm nền OLED 60Hz cũ kỹ suốt mấy năm qua. Một lần nữa, màn hình tần số quét thấp của iPhone 16 lại là lý do để những người không ưa Apple có lý do để chỉ trích.
Câu chuyện về sự đối nghịch giữa chiếc điện thoại có giá vài chục triệu đồng vẫn sử dụng màn hình 60Hz trong khi những mẫu điện thoại cơ bản nhất có giá vài triệu đồng đã có màn 90-120Hz luôn là chủ đề được nhắc đi nhắc lại mỗi khi iPhone mới ra mắt.
Trang Android Central thậm chí còn đưa ra so sánh iPhone 16 với chiếc điện thoại Android được đánh giá cao gần đây là CMF Phone 1, chỉ được bán với giá 200 USD (5 triệu đồng) nhưng sở hữu tấm nền OLED LTPS 120Hz dao động, có thể chạy ở tốc độ 120Hz mượt mà và giảm xuống thấp hơn để tiết kiệm pin khi cần.
Màn hình 120Hz khiến ngay cả những chiếc điện thoại giá rẻ cũng có cảm giác nhanh và sang, trong khi màn hình 60Hz khiến ngay cả những chiếc điện thoại mới nhất cũng có cảm giác chậm chạp và lỗi thời.
Tệ hơn nữa, những bức ảnh chụp thực tế cho thấy Apple không làm gì để cải thiện tần số làm mờ PWM của điện thoại, một lần nữa để chúng ở mức chậm là 480Hz. CMF Phone 1 sử dụng phương pháp thân thiện với mắt người dùng hơn, khi không nhấp nháy ở độ sáng trên 18%, cũng như cải thiện ở mức PWM 960Hz. Nói cách khác, nếu bạn lo lắng về sức khỏe của mắt hoặc nhạy cảm với đèn hoặc màn hình nhấp nháy, thì việc tiết kiệm hơn 500 USD cho CMF Phone 1 là lựa chọn thông minh.
CMF Phone 1 thậm chí còn có cùng mức độ sáng tối đa 2.000 nits như iPhone 16 và iPhone 16 Plus, giúp bạn có thể dễ dàng nhìn màn hình ngoài trời sáng.
Đâu có tốn kém?
Nhìn lại lịch sử, việc Apple tụt hậu về thông số kỹ thuật màn hình không phải là điều ngạc nhiên lớn. Chiếc điện thoại đầu tiên của công ty có màn hình OLED, iPhone X, ra mắt bảy năm sau khi điện thoại Android bắt đầu áp dụng công nghệ OLED.
Tương tự, điện thoại Android đầu tiên có màn hình 120Hz, Razer Phone, ra mắt năm 2017, trong khi phải đến iPhone 13 năm 2021, Apple mới bắt đầu có chiếc điện thoại 120Hz của riêng mình.
Kể từ đó, Apple cũng chỉ giữ khư khư tần số 120Hz là thông số kỹ thuật "cấp Pro" dành riêng cho những chiếc điện thoại đắt tiền nhất của hãng. Nói cách khác, nếu muốn có màn hình đạt thông số kỹ thuật cơ bản của một chiếc điện thoại Android giá 5 triệu đồng, bạn sẽ cần phải chi ít nhất gần 30 triệu đồng để có được nó trên iPhone 16 Pro.
Ở cấp độ flagship, Google Pixel 9 có kích thước gần bằng iPhone 16 với cùng mức giá - 799 USD – nhưng sở hữu màn hình LTPO 120Hz có thể chuyển từ 60Hz sang 120Hz một cách linh hoạt. Nó cũng đi kèm với Google Gemini và một loạt các thủ thuật AI thực sự thú vị trong khi AI của Apple thì vẫn còn hứa hẹn.
Các sản phẩm của Apple vốn được coi là biểu tượng xa xỉ ở nhiều quốc gia. Có những nơi, iPhone được coi là điện thoại của người giàu. Nhưng nếu Apple không muốn người dùng Android chế giễu các thiết bị của mình, họ ít nhất nên làm cho màn hình iPhone 16 có tần số quét 90 Hz.
Việc tăng từ 90 Hz lên 120 Hz không được coi là đáng kể nhưng chỉ cần tăng từ 60 Hz lên 90 Hz đã được coi là nâng cấp lớn. Theo Phone Arena, 90 Hz nên là mức tối thiểu cho màn hình điện thoại thông minh ngày nay. Ngay cả những chiếc điện thoại giá rẻ của Trung Quốc có giá bằng một phần ba iPhone 16 hiện nay cũng có màn hình 90 Hz.
Điều đó cho thấy rõ ràng là không quá tốn kém để nâng cấp màn hình tần số thấp lên màn hình mượt mà hơn. Apple thừa khả năng làm cho iPhone có màu sắc chính xác hơn và có độ phân giải cao hơn, nên việc nâng cấp lên 90 Hz có lẽ cũng không phải điều quá tốn kém.
Theo Mạnh Kiên (Nhịp Sống Thị Trường)