Rạng sáng 20/3, Google công bố nền tảng chơi game Stadia mới tại Hội nghị Nhà phát triển Game GDC (San Francisco, Mỹ). Nền tảng này dựa trên công nghệ đám mây, là bước chuyển lớn của Google vào thị trường trò chơi điện tử đang ngày càng phát triển.
Google muốn biến Stadia thành "Netflix của ngành game", khi cho phép người chơi thưởng thức những tựa game bom tấn và yêu cầu cao về phần cứng mà chỉ cần một thiết bị kết nối Internet.
Nền tảng gaming Stadia đầy tham vọng
Stadia không phải là máy game chuyên dụng như Xbox (Microsoft), PlayStation (Sony), PC hay hộp giải mã mà nó là nền tảng chơi game. Stadia sẽ giúp gắn kết game thủ, người xem và các nhà phát triển với nhau.
Google cho biết người dùng sẽ truy cập vào Stadia thông qua trình duyệt web, máy tính, TV hoặc các thiết bị di động.
Trong buổi giới thiệu, kỹ sư của Google đã biểu diễn việc chơi Assassin’s Creed Odyssey trên Chromebook. Sau đó, người này lần lượt chơi game trên điện thoại, PC, máy tính bảng và TV có sử dụng Chromecast.
Bộ xử lý hình ảnh GPU của Google Stadia có tốc độ 10,7 teraflops. Con số này cao hơn cả GPU PS4 (4,2 teraflops) và Xbox One X (6 teraflops) cộng lại.
Vào năm ngoái, Google và Ubisoft hợp tác thử nghiệm Project Stream để streaming Assassin’s Creed Odyssey với độ phân giải HD và 60 khung hình/giây (FPS). Do đó, Stadia có thể phát trực tuyến các trò chơi ở độ phân giải 4K, 60 FPS. Trong tương lai, Stadia có thể streaming các game bom tấn với độ phân giải 8K, 120 FPS.
Nhưng để thực hiện mọi thứ, bạn phải có mạng Internet đủ mạnh.
Tại sự kiện, Google cũng cho ra mắt Stadia Games and Entertainment, studio phát triển game phục vụ riêng cho nền tảng mới của Google do cựu CEO Ubisoft Jade Raymond đứng đầu. Với động thái này, Google cho thấy tham vọng lớn bước chân vào ngành công nghiệp game trị giá 140 tỷ USD.
Stadia có tính năng gì?
Stadia sở hữu những tính năng mới mẻ như chống gian lận (hack/cheat) hoàn toàn, chia sẻ khoảnh khắc State Share, trợ lý ảo Assistant và chơi game cùng streamer Crow Play.
Vì cùng chung nền tảng Stadia nên các trò chơi trực tuyến nhiều người chơi sẽ dễ quản lý hơn và game thủ sẽ không thể gian lận được.
Tính năng Crowd Play trên Stadia giúp streamer và người xem tương tác tốt hơn. Người xem có thể tham gia vào màn chơi cùng streamer khi họ phát game trên YouTube.
Tiếp theo, tính năng State Share giúp game thủ chia sẻ những khoảnh khắc đáng nhớ, thành tích của game lên các mạng xã hội, YouTube hay Discord một cách nhanh chóng.
Tay cầm Stadia đặc biệt
Để hỗ trợ Stadia, Google đã tạo ra một thiết bị phần cứng đặc biệt để hỗ trợ cho nền tảng gaming này, đó là chiếc tay cầm Stadia. Chiếc tay cầm này giống gamepad PS4 với 2 cần analog, các phím điều hướng và chức năng.
Tuy nhiên, thiết bị này sở hữu hệ thống kiểm soát riêng biệt, có kết nối Wi-Fi và được tích hợp cả trợ lý ảo Google Assistant. Google cho biết người chơi có thể sử dụng chiếc tay cầm này để kết nối tới dịch vụ Stadia, và chơi game trên bất kỳ thiết bị nào tùy thích.
Google sẽ ra mắt dịch vụ Stadia trong năm 2019 ở Mỹ, Canada, Anh và châu Âu. Mọi thông tin khác sẽ được tiết lộ vào mùa hè này.
Những dự án tương tự trong quá khứ
Trước Stadia, một số dự án như PlayStation Now, GeForce Now, OnLive và một số nền tảng cloud gaming khác của Trung Quốc đã ra đời. Tuy nhiên, chưa có công ty hay nền tảng nào thành công trên quy mô lớn.
"Theo trí nhớ của tôi, chỉ có một công ty ở thị trường phương Tây còn duy trì hoạt động, đấy là dịch vụ PlayStation Now của Sony", nhà phân tích thị trường Lewis Ward nói với CNBC.
Dù vậy, "Google đã sở hữu một hệ sinh thái các nhà phát triển game rất lớn, nhờ có nền tảng game trên Android. Giờ là lúc họ cho ngành công nghiệp thấy mình quyết tâm làm thành công dịch vụ chơi game bằng điện toán đám mây", phân tích viên Husson chia sẻ.
Theo Gia Minh (Tri Thức Trực Tuyến)