Trong bài viết kêu gọi tranh cử Tổng thống Mỹ trên Medium, nữ nghị sĩ Đảng dân chủ thể hiện thái độ cực kì gay gắt đối với những tập đoàn công nghệ. Elizabeth Warren cho rằng đã đến lúc "chia tay" Facebook, Google hay Amazon và kêu gọi chính quyền Liên bang vào cuộc.
"Các tập đoàn công nghệ lớn thâu tóm quá nhiều quyền lực, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, xã hội, nền dân chủ của đất nước chúng ta. Họ san bằng mọi quy luật cạnh tranh, kiếm lời trên thông tin cá nhân và chiếm hết sân chơi của người khác. Vì thế, những start-up hoặc công ty nhỏ lẻ không thể phát triển", Elizabeth Warren viết trên Medium.
Bên cạnh đó, nữ nghị sĩ cho rằng bất kì công ty nào thu được lợi nhuận 25 tỷ USD cần phải được giám sát chặt chẽ bằng một "nền tảng đa dụng". Theo lời Warren miêu tả, đây là một thị trường online dành riêng cho những công ty loại này, với sự tham gia của một bên thứ ba.
Các công ty lớn không được phép bỏ tiền thâu tóm, mua chuộc bên thứ ba hay những đối thủ khác. "Nền tảng đa dụng" sẽ tạo ra một thị trường công bằng, hợp lý và bất phân biệt dành cho khách hàng. Hơn nữa, bên thứ ba chỉ được giám sát nhưng không được thu nhập dữ liệu khách hàng, giao dịch trong nền tảng.
"Chúng ta phải đứng lên giúp đỡ những người làm nghề sáng tạo nội dung, từ tờ báo địa phương cho đến kịch sĩ, nhạc sĩ. Nội dung của họ phải do chính họ thực hiện và thu lợi. Google và Facebook không có quyền đụng tới", Elizabeth Warren phát biểu tại buổi kêu gọi ủng hộ hôm thứ 6.
Zachary Karabell, cây bút của Wired dự đoán đây là một ý kiến không tốt để kêu gọi bầu cử, nhưng chính quyền Liên bang nhiều khả năng sẽ xem xét và thực thi. Mặt khác, Elizabeth Warren không phải là người đầu tiên nằm trong danh sách "chia tay" Facebook, Google.
Theo Huffington Post, Jerry Nadler, nghị sĩ thành phố New York phát động kế hoạch điều tra các tập đoàn công nghệ nhằm xóa bỏ tính độc quyền. Kết quả điều tra hôm 1/2 cho thấy Facebook "không đáng tin" để tự kiểm soát chính họ.
Theo Wired, Facebook, Google hay Amazon sẽ không thể có chỗ đứng cho một thể chế chính trị dân chủ, nhưng lại bám theo hết mức có thể để gây lợi nhuận. Các tập đoàn này thâu tóm quá nhiều tiền bạc và quyền lực, trong khi chính phủ không thể kiểm soát, quản lý nổi.
Ở thời điểm hiện tại, các loại luật chống độc quyền vốn dĩ đã không còn kiểm soát nổi những tập đoàn công nghệ. Chúng được thiết kế chỉ nhằm mục đích kiềm hãm sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp. Đồng thời, người tiêu dùng bị lạc lối giữa mê cung thị phần và quy mô, vốn quyết định sự ảnh hưởng của một tập đoàn công nghệ lớn. Nhưng, việc sửa đổi luật chống độc quyền phải được xem xét một cách kĩ lưỡng và phù hợp với thị trường nước Mỹ.
NetChoice, một công ty thương mại điện tử cảnh báo rằng nếu kế hoạch của Warren được thực hiện, thị trường Mỹ sẽ trở nên cực kì biến động dẫn đến vật giá leo thang.
"Warren đã sai khi nhận định rằng giới công nghệ Mỹ không có sự cạnh tranh. Hiện tại, người tiêu dùng sở hữu cơ hội tiếp cận với rất nhiều nguồn hàng, dịch vụ, cơ hội việc làm ngay trên mạng Internet", Carl Szabo, phó chủ tịch NetChoice nói với Reuters.
Theo Guardian, một khảo sát của đại học Đại học Quinnipiac vào giữa tháng 12 cho thấy bà Warren đang là ứng viên nổi bật, với 3 trong số 5 người được hỏi có cảm nhận tích cực về bà.
Theo Anh Thi (Tri Thức Trực Tuyến)