Tại WWDC24, Apple đã ra mắt AI của chính mình mà hãng gọi là Apple Intelligence. Vào cuối sự kiện, công ty đồng thời cũng công bố sự xuất hiện của ChatGPT phiên bản GPT-4o xuyên suốt các nền tảng iOS 18, macOS Sequoia và iPadOS 18. Như vậy, liệu những gì Apple Intelligence và phiên bản mới của Siri làm có phải chỉ là cái vỏ của OpenAI không? Và liệu những gì Apple tạo ra có phải chỉ là một phiên bản khác của Galaxy AI hay Copilot hay không?
Apple Intelligence khác gì với Galaxy AI hay Copilot?
Dù bản thân Apple đã tham gia vào lĩnh vực trí tuệ nhân tạo từ lâu với các bộ xử lý NPU trên các chip của riêng họ, nhưng nói về AI mà mọi người nghĩ đến ngày nay, Apple được cho là đang bị bỏ rơi phía sau.
Trong khi Microsoft đầu tư 10 tỷ USD vào OpenAI để đẩy mạnh tầm phổ biến của AI và tạo ưu thế cho Copilot của chính mình, thì theo Bloomberg, Apple dường như chỉ tăng tốc nghiên cứu AI của riêng mình vào cuối năm ngoái, đầu tư 1 tỷ USD mỗi năm cho AI.
Nếu nhìn vào thời điểm phát hành AI, Apple rõ ràng đã ở sau Samsung khi công ty Hàn Quốc hợp tác chặt chẽ với Google cho các tính năng Galaxy AI, Apple cũng đi sau Microsoft trong việc mang AI đến laptop khi mà Windows từ năm trước đã đẩy mạnh Copilot đến người dùng.
Tuy nhiên, như Craig Federighi, Phó chủ tịch cấp cao về Kỹ thuật Phần mềm của Apple đã cho thấy tại hội nghị rằng, Apple không quan tâm đến cách áp dụng điển hình mà các hãng khác đã làm với AI. Apple không muốn AI chỉ là một thứ được áp dụng trên bề mặt. Công ty muốn xây dựng một mô hình trí thông minh từ trung tâm iPhone, iPad và Mac, một AI được cá nhân hóa tốt nhất có thể dựa trên thói quen và hoạt động của người dùng.
Nói như vậy, nhưng nhìn vào một số khả năng của Apple Intelligence mà công ty thể hiện tại WWDC24 như tích hợp vào trợ lý ảo Siri, tóm tắt tin nhắn, gợi ý soạn thảo, thì chúng nhìn chung cơ bản không khác gì những công ty khác đã làm. Tuy nhiên, khi Kelsey Peterson, giám đốc mảng Machine Learning và AI tại Apple, trình bày một bản demo trong sự kiện, tôi đã thấy rõ sự khác biệt về khả năng giữa Apple Intelligence và các AI phổ từ đối thủ.
Peterson hỏi "Siri, khi nào chuyến bay của mẹ tôi đáp" và không chỉ đơn giản là đưa ra câu trả lời, Siri đã tham khảo chéo các chuyến bay tìm thấy trong email, sau đó theo dõi chuyến bay trực tuyến để điều chỉnh lịch đáp nếu có delay. Tiếp theo, khi hỏi Siri về kế hoạch ăn trưa, dù Peterson đang không vào ứng dụng ghi chú nhưng Siri vẫn tìm thấy nơi dùng bữa được người mẹ được gửi trong một tin nhắn văn bản. Sau đó, khi được hỏi "Sẽ mất bao lâu để chúng tôi đến đó từ sân bay?" một bản đồ bật lên với thông tin về tình trạng giao thông.
Thoạt nhìn, những điều này không có gì ấn tượng khi nói đến công nghệ mô hình ngôn ngữ lớn (LLM). Đây là những câu hỏi đơn giản và câu trả lời hoàn toàn rõ ràng. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên chính là tầm tiếp cận của Apple Intelligence vào hệ thống.
AI của Apple có thể dễ dàng sàng lọc qua email và tin nhắn trên máy (và sau đó sẽ là nhiều ứng dụng khác từ bên thứ ba thông qua các API chuyên dụng mà Apple đã thông báo) để tìm câu trả lời mà nó cần. Công ty có thể truy cập vào một lượng thông tin đáng kinh ngạc để tạo ra các câu trả lời được cá nhân hóa theo cách mà những AI khác không thể nào làm theo.
Nói nôm na, chiếc điện thoại trên tay của bạn sẽ đóng vai như một trợ lý đúng nghĩa, khi bạn chỉ cần ở ngay homescreen và gọi Siri ra để làm 1 yêu cầu nào đó dù nó có thể phức tạp tới đâu. Nếu bạn hỏi thời tiết hôm nay thế nào hay tìm mở 1 bài nhạc nào đó thì có vẻ quá bình thường trong thời buổi ngày nay, nhưng nếu bạn ra một câu lệnh như "Siri, tìm lại cho tôi địa chỉ quán cafe mà hôm rồi đứa bạn tên T. nhắn tin giới thiệu tôi xem", chắc chắn cô trợ lý ảo này sẽ bắt đầu lục lọi (khi được cho phép) tất cả tin nhắn trên mọi nền tảng (iMessage, Facebook Messenger, Instagram, Whatsapp…) và cho ra kết quả trong tích tắc.
Điều này đối với tôi nó thật sự tiện lợi bởi đôi khi cuộc sống bận rộn sẽ khiến chiếc não của tôi trở nên "cá vàng" hơn nữa, và tất nhiên không thể nhớ được đã từng có đoạn hội thoại đó ở đâu, nằm ở nền tảng nào… Suy cho cùng, Apple đang cho chúng ta thấy việc họ áp dụng AI vào hệ thống thật sự giúp người dùng cảm thấy mọi thứ dễ tiếp cận hơn, thoải mái hơn và đặc biệt là tự nhiên hơn.
Và nhờ đó, Apple có thể tạo được sự khác biệt này là vì Apple Intelligence thật sự không giống với những gì bạn thấy trên Galaxy AI hay Copilot.
Nếu như Galaxy AI và Copilot được phát triển lần lượt dựa trên các nền tảng Gemini của Apple và ChatGPT của OpenAI, thì Apple đã tự đào tạo AI của riêng mình để sử dụng trên thiết bị và trên server. Mô hình nền tảng AI của Apple được công ty đào tạo dựa trên framework AXLearn mà công ty đã phát hành vào năm 2023.
Chính bởi nắm trong tay mô hình AI riêng biệt, cũng như có một hệ sinh thái phần cứng và phần mềm tối ưu hóa, mà Apple Intelligence có thể được tích hợp rất sâu và xuyên suốt nền tảng từ iOS, iPadOS đến macOS, từ đó có thể thực hiện các công việc như trên, hay tìm kiếm từ video để trả về đúng khoảnh khắc người dùng mong muốn, gợi ý cài đặt rất hữu ích cho những người không rành công nghệ và thậm chí còn đưa ra kết quả giải toán thời gian thực trong chớp mắt dù người dùng thay đổi con số.
Nếu phải tìm một tính năng gần tương tự trên các nền tảng khác để so sánh, thì chúng ta có thể nói đến Recall của Copilot Plus. Recall tận dụng các mô hình AI cục bộ trên PC Copilot Plus để chạy ở chế độ nền và chụp ảnh nhanh mọi thứ bạn đã làm hoặc thấy trên PC của mình. Sau đó, tất cả sẽ được lưu lại dữ liệu dòng thời gian mà người dùng có thể xem qua và tìm kiếm ảnh, tài liệu, cuộc trò chuyện hoặc bất kỳ thứ gì khác trên PC của mình. Tuy nhiên, tính năng này chỉ chính thức hỗ trợ các máy tính Copilot+ mới và rõ ràng không thể bằng được với hỗ trợ toàn diện nền tảng như Apple Intelligence.
Sẽ có những tác vụ có thể hoàn thành ngay trên thiết bị và cũng có một số tác vụ đòi hỏi khối lượng xử lý lơn hơn, do đó, nền tảng AI của Apple được chia ra làm hai phần là trên thiết bị (on-device) và trên máy chủ (server-based).
Liệu mô hình trên máy chủ có phải là ChatGPT hay không?
Dù cho là trên thiết bị hay thông qua máy chủ, chúng đều là mô hình AI được chính tay Apple huấn luyện, không phải tinh chỉnh từ Gemini hay ChatGPT như đối thủ. Điều này đã được Apple nói rõ trên website của mình. Và cũng nhờ đó, công ty có thể hạn chế một trong những nỗi lo lớn nhất khi nói đến các công cụ AI trực tuyến, đó chính là bảo mật.
Đối với những yêu cầu phức tạp hơn từ người dùng, Apple sẽ chuyển sang mô hình AI trên máy chủ sử dụng chính các silicon của Apple để hoạt động, trước đây đã có tin đồn rằng các máy chủ này sử dụng chip M2 Ultra.
Và Apple đã tạo ra một thứ gọi lại là Private Cloud Compute.
Khi cần thêm năng lực tính toán, thiết bị chỉ gửi dữ liệu cần thiết để đáp ứng yêu cầu đến các máy chủ riêng của Apple, những máy chủ có khả năng bảo mật và quyền riêng tư ngang với iPhone. Apple đảm bảo là các dữ liệu người dùng không bao giờ bị truy cập bởi công ty, ngay cả đối với những nhân viên có quyền truy cập quản trị vào dịch vụ sản xuất hoặc phần cứng.
Trong hội nghị, Apple có nói đến việc có khả năng các công ty quản lý phần mềm máy chủ sẽ lợi dụng dữ liệu của bạn cho mục đích khác vì dù họ có nói rằng sẽ không làm như vậy, nhưng cũng không có cách nào để kiểm tra. Và Apple cho biết Private Cloud Compute là hệ thống máy chủ bảo mật có tính minh bạch rất cao, công ty cam kết các chuyên gia bảo mật độc lập có thể kiểm tra mã chạy trên máy chủ silicon của Apple và Private Cloud Computing bằng quy trình bảo mật, đảm bảo rằng iPhone, iPad và Mac không giao tiếp với máy chủ trừ khi phần mềm của nó đã được ghi nhận công khai để kiểm tra.
Nói đến đây, có lẽ chúng ta đã làm rõ rằng Apple hoàn toàn sử dụng mô hình khép kín của chính mình cho Apple Intelligence, vậy ChatGPT góp phần như thế nào vào trải nghiệm AI này?
Tại WWDC24, công ty chỉ dành một thời gian rất ngắn để nói về ChatGPT như một lựa chọn bổ sung cho Apple Intelligence giúp người dùng có thể sử dụng công cụ theo cách liền mạch nhất. Công ty tích hợp GPT-4o vào Siri để nó có thể chuyển sang khi cần thiết, ví dụ như lên ý tưởng bữa ăn hoặc ý tưởng trang trí dựa trên hình ảnh của người dùng.
Siri sẽ quyết định liệu yêu cầu của người dùng có thể thực hiện trên thiết bị, trên máy chủ Apple hoặc ChatGPT. Apple cũng dành một số lời khen ngợi cho công cụ từ OpenAI nhưng điều quan trọng là nếu dùng đến ChatGPT, hệ thống sẽ hỏi ý kiến của bạn xem có muốn tiếp tục hay không và sau đó mới kết nối để đưa ra câu trả lời.
Có thể thấy ChatGPT xuất hiện như một lựa chọn bổ sung và bằng việc luôn hỏi người dùng mỗi khi mở công cụ này, Apple dường như muốn nói rằng Apple Intelligence của họ là lựa chọn an toàn hơn.
Quyền truy cập là sức mạnh thật sự của Apple Intelligence
Apple còn có một lợi thế khác mà những ChatGPT hay Galaxy AI sẽ khó làm được, đó chính là sự hỗ trợ mạnh mẽ từ các nhà phát triển bên thứ ba. Tại WWDC24, công ty đã nói về nâng cấp bộ phát triển phần mềm (SDK) cho các nhà phát triển để họ dễ dàng tích hợp Apple Intelligence và sản phẩm của mình. Apple đã lấy ứng dụng chỉnh sửa ảnh Darkroom làm ví dụ, sau khi được tích hợp Apple Intelligence, người dùng chỉ cần ra lệnh cho Siri như "Áp filter kiểu phim ảnh cho bức hình tôi chụp anh bạn Ian ngày hôm qua", và ứng dụng sẽ thay bạn thực hiện mọi bước từ chọn ảnh đến chỉnh sửa.
Đó là khả năng mà các công cụ AI khác rất khó để làm được nếu không phải mô hình tự phát triển, được tích hợp sâu và được hỗ trợ mạnh mẽ bởi bên thứ ba.
Hiện tại, Apple đã ký kết hợp tác với OpenAI để sử dụng ChatGPT cho ít nhất một số dịch vụ và có thể là cả Google trong tương lai. Nhưng lâu dài hơn? Không thể loại trừ khả năng Apple sẽ chuyển hoàn toàn sang các mô hình của riêng mình. Hãy nhớ rằng công ty cũng từng làm một điều không tưởng là từ bỏ chip Intel trên máy Mac.
Theo Federighi, quyết định tập trung vào ChatGPT ngay từ đầu là vì Apple muốn "khởi đầu với những gì tốt nhất", tuy nhiên công ty cũng hy vọng sẽ bổ sung thêm các mô hình khác như Google Gemini chẳng hạn.
Theo Tuấn Lê (Nguoiduatin.vn)