Những thế hệ smartphone Galaxy cao cấp của Samsung trong một vài năm trở lại đây, về cơ bản, đều là những thiết bị rất xuất sắc. Chúng sở hữu thiết kế sang trọng, màn hình với khả năng hiển thị đầu bảng, camera cho chất lượng tốt và nhiều công nghệ mới như 5G, Wi-Fi 6, sạc siêu nhanh, sạc ngược không dây, UWB...
Thế nhưng, chúng không hoàn hảo và không phải là không có điểm yếu. Chip Exynos cho hiệu năng thua kém Snapdragon cùng loại, hay màn hình cong khiến cho quá trình sử dụng gặp khó khăn là những điều mà người dùng phàn nàn nhiều nhất.
Và, ở thế hệ Galaxy S21 series mới nhất, Samsung đã rất biết lắng nghe người dùng để khắc phục một số tình trạng trên. Chip Exynos 2100 đã có những cải tiến đáng kể so với người tiền nhiệm. Hai model S21 và S21+ đã chuyển sang màn hình phẳng, trong khi đó màn hình của Galaxy S21 Ultra nay cũng chỉ được làm cong nhẹ.
Ngoài ra, còn một vấn đề nổi cộm khác ở các thế hệ Galaxy trước đây, đó là cảm biến vân tay. Kể từ Galaxy S10, Samsung đã ứng dụng công nghệ cảm biến vân tay dưới màn hình siêu âm (ultrasonic fingerprint sensor) của Qualcomm. So sánh với cảm biến vân tay quang học, cảm biến vân tay siêu âm có một số ưu điểm về độ an toàn (do tạo dựng mô hình 3D của dấu vân tay thay vì hình ảnh 2D), hay khả năng hoạt động tốt ngay cả khi ngón tay người dùng bị ướt.
Tuy nhiên, cảm biến vân tay siêu âm này lại đem đến trải nghiệm không thật sự tốt, nếu không muốn nói là khá tệ. Không ít trường hợp cảm biến vân tay này không thể nhận dạng được dấu vân tay của chủ nhân, khiến cho họ phải thử lại nhiều lần. Kể cả khi nhận dạng thành công, cảm biến vân tay siêu âm cũng tốn một khoảng thời gian từ 1-1.5 giây thì mới có thể mở khoá, nghe thì có vẻ không nhiều nhưng thực tế là khá chậm. Điều này xảy ra ngay cả trên những thiết bị mới và mạnh nhất của Samsung, ví dụ như chiếc Galaxy Note20 Ultra ra mắt hồi cuối năm ngoái.
Thế nhưng, Samsung đã khắc phục triệt để vấn đề này trên Galaxy S21. Cảm biến vân tay trên Galaxy S21 tiếp tục sử dụng công nghệ siêu âm của Qualcomm như những thế hệ trước, nhưng là thế hệ thứ hai. Theo công bố của Qualcomm, cảm biến này có kích thước 8x8mm, cho diện tích bề mặt lớn hơn 77% so với thế hệ trước (4x9 mm). Tốc độ xử lý này của cảm biến này cũng nhanh hơn so với thế hệ trước, giúp cho thời gian mở khóa rút ngắn một nửa.
Và qua trải nghiệm thực tế, cảm biến vân tay của Galaxy S21 thật sự rất nhanh, nhanh một cách đáng kinh ngạc. Nó nhanh hơn tất cả các loại cảm biến vân tay trong màn hình trên những smartphone khác, và nhanh tương đương với những cảm biến vân tay tách rời mà chúng ta từng biết đến trên những smartphone cách đây khoảng 2-3 năm trước.
Người dùng chỉ cần chạm nhẹ ngón tay vào cảm biến vân tay, và chỉ trong nháy mắt, máy đã mở khoá. Thậm chí, ngay cả khi người dùng chạm ngón tay sau đó ngay lập tức nhấc ra, cảm biến vân tay này vẫn đủ nhanh để đọc dấu vân tay và xử lý. Đây là điều mà không một model Galaxy nào trước đây có thể làm được.
Mở khoá điện thoại là việc mà mỗi người làm hàng chục, thậm chí hàng trăm lần mỗi ngày. Qua việc cải thiện cảm biến vân tay trên Galaxy S21, trải nghiệm sử dụng chiếc máy này cũng trở nên "dễ chịu" hơn rất nhiều. Nếu bạn là một người từng không hài lòng với cảm biến vân tay trên các thế hệ Galaxy S và Galaxy Note trước kia, rất có thể, bạn sẽ muốn cho Galaxy S21 một "cơ hội thứ hai".
Trọng Nguyễn (Nguoiduatin.vn)