Phát biểu tại sự kiện GameVerse 2023 vừa qua, ông Nguyễn Ngọc Bảo, Tổng giám đốc VTC cho biết, thể thao điện tử tạo ra dự địa khổng lồ. Năm 2022, lượng khán giả toàn cầu theo dõi eSport là 532 triệu người (theo Newzoo). Với tốc độ tăng trưởng mỗi năm là 8,1% (giai đoạn 2020-2025), đơn vị này dự báo, sẽ có hơn 640 triệu người theo dõi bộ môn này vào năm 2025.
Theo ông Bảo, như vậy cứ hai người chơi game sẽ có một người xem. Tốc độ tăng trưởng người xem lớn, doanh thu eSport thế giới năm 2022 là hơn 1,3 tỷ USD. Nhưng ông lưu ý, chỉ có 10% đến trực tiếp từ game, 90% đến từ các ngành khác.
Cụ thể, trong 1,384 tỷ USD doanh thu thì tỉ trọng được chia như sau: 837,3 triệu USD đến từ các hoạt động kêu gọi tài trợ, 46,3 triệu USD đến từ hoạt động streaming, 53,9 triệu USD đến từ lĩnh vực quảng cáo digital, 107,9 triệu USD đến từ việc bán vé và các hoạt động mua bán vật phẩm liên quan đến giải đấu, 207,8 triệu USD đến từ tiền bản quyền phát sóng và nhà phát hành trò chơi chỉ chiếm doanh thu rất nhỏ là 130,7 triệu USD.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo cho rằng, hiện eSport tại Việt Nam vẫn còn quá nhỏ so với thế giới. Tuy nhiên, với thế mạnh về lực lượng công nghệ thông tin, dân số trẻ, nắm bắt xu hướng thế giới nhanh, Việt Nam có tiềm năng để khai thác thị trường công nghệ toàn cầu. Chính vì thế, cần phát triển hệ sinh thái eSport để phát triển ngành kinh tế số. Việc phát triển trên hệ sinh thái mạng sẽ tạo ra dữ liệu số, đây chính là "mỏ vàng" cho ngành công nghệ thông tin.
Đồng quan điểm, ông Lã Xuân Thắng, Giám đốc phát hành trò chơi trực tuyến VNG cũng cho biết, eSport đang ngày càng có vai trò quan trọng trên thế giới với doanh thu và lượng người xem đông đảo ở trên. Việt Nam có nhiều thành tích tốt với eSports dù ở giai đoạn manh nha. SEA Games 2022, Việt Nam có 4 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc, đứng đầu khu vực Đông Nam Á về lĩnh vực này.
Theo ông Thắng, bên cạnh những đóng góp cho nền kinh tế, trong những năm gần đây, eSport còn có vai trò quan trọng trong phát triển ngành game trong nước, đó là dần xoá bỏ được các định kiến của xã hội đối với game như xem game là loại hình độc hại, gây nghiện...
Và với các yếu tố như dân số đông, nhiều bạn trẻ, có nền tảng hạ tầng Internet, giá rẻ, tốc độ mạng cao nhất Đông Nam Á, số lượng người sử dụng smartphone trên 90% người trưởng thành, ông Thắng cho rằng eSport tại Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong tương lai.
"Tôi tin eSport sẽ đóng góp giá trị cho sự phát triển chung ngành game thế giới và Việt Nam", ông Thắng nói.
Tuy nhiên, ông Lã Xuân Thắng cũng chia sẻ thêm, để phát triển eSport nói riêng và ngành game nói chung thì cần tạo cú hích về chính sách, quan điểm của Chính phủ trong việc đóng góp cho nền kinh tế số. Chẳng hạn như ở Singapore, để đưa các sự kiện eSport lớn trên thế giới về tổ chức tại nước này, trong năm 2022, chính phủ của họ đã miễn phí hoàn toàn địa điểm tổ chức sự kiện hay giải đấu.
Theo Lê Mỹ (VietNamNet)