Vì sao cần xóa bớt dung lượng?
Có khá nhiều lý do nên để trống một phần dung lượng ổ cứng. Lý do đầu tiên và hiển nhiên nhất là nếu bạn không chừa một ít dung lượng thì không thể tải bất kỳ dữ liệu mới về máy cũng như các bản cập nhật Windows mới luôn. Tiếp theo, một số chương trình thường cần tạo RAM ảo (pagefile) trên ổ cứng thì mới có thể hoạt động. Nếu ổ cứng không còn chỗ trống thì khả năng cao là không thể mở được chương trình hoặc có thể bị crash (sập) giữa chừng luôn.
Chẳng hạn như nếu bộ nhớ hoàn toàn không còn một chỗ trống nào nữa thì Windows 10 sẽ không cho phép dùng công cụ Troubleshoot để tìm lỗi và chỉ thấy dòng thông báo “A problem is preventing the troubleshooter from starting” nói rằng không chạy được. Dù Windows không đưa ra lỗi cụ thể nhưng nếu xóa bớt dung lượng trong ổ cứng đi thì công cụ Troubleshoot lại hoạt động bình thường.
Tuy nhiên, chúng ta vẫn không có bất kỳ con số chính xác về phần dung lượng nên được để trống để máy tính hoạt bình thường các bạn ạ. Hiện nay thì chỉ có một số quy tắc để trống ổ cứng dựa trên kinh nghiệm của các thanh niên “tay to” chia sẻ trên Internet thôi. Và các quy tắc này cũng chỉ có thể áp dụng tùy trường hợp thôi.
Để trống 15% dung lượng khi dùng HDD
Thường thì bạn sẽ thấy nhiều người khuyên rằng nếu dùng HDD thì nên để trống khoảng 15% đến 20% dung lượng ổ cứng. Lý do là vì Windows cần ít nhất 15% dung lượng mới có thể chống phân mảnh ổ cứng được. Nếu bạn không còn đủ dung lượng để Windows chống phân mảnh thì ổ cứng sẽ từ từ chậm đi, khởi động phần mềm chậm, bật game chậm, nhập xuất file cũng chậm luôn.
Tuy nhiên, chống phân mảnh chỉ áp dụng cho các ổ cứng dạng cơ học như HDD thôi, ngày nay thì SSD đã trở nên phổ biến và không cần lo phân mảnh nên sẽ không thể áp dụng số 15 % này.
Để trống 25% dung lượng khi dùng SSD (nhưng không đúng với mọi trường hợp)
Cũng giống như HDD, các loại SSD cũng cần phải để trống một phần dung lượng. Khi ổ SSD đầy thì cũng dần chậm đi. Vào năm 2012 thỉ trang Anadatech có đăng một bài khuyên người dùng nên để trống ít nhất 25% dung lượng thì SSD mới hoạt động với hiệu suất tối đa.
Tuy nhiên, các loại SSD ngày nay đều có dung lượng "overprovisioning". Đây là một phần dung lượng của SSD bị nhà sản xuất ẩn đi không cho chúng ta dùng, đề phòng trường hợp một bộ nhớ NAND nào đó bị hỏng trong quá trình sử dụng. Và bởi vì dung lượng thực tế của SSD vẫn còn bị “giấu” đi khá nhiều nên để trống 25% dung lượng ổ cứng cũng không thực sự cần thiết nữa.
Vậy thì nên để trống bao nhiêu dung lượng?
Thực ra thì không có con số cụ thể, Microsoft cũng chỉ nói rằng cần 32GB dung lượng ổ cứng để cài Windows 10 thôi chứ không đưa ra bất kỳ thông tin nào về phần dung lượng nên để trống cả. Vì vậy, nếu PC của bạn bắt đầu bị lag sau khi chứa quá nhiều “tài liệu” thì có thể thử làm theo các quy tắc bên trên.
Nếu bạn đang dùng HDD thì có thể áp dụng các kinh nghiệm ở trên vì HDD cũng không có có thêm cải tiến đáng kể nào trong nhiều năm qua. Để trống 15% dung lượng ổ cứng vẫn sẽ giúp Windows có thể dọn dẹp, chống phân mảnh ổ cứng hiệu quả hơn và giữ độ mượt mà sau khoảng thời gian dài.
Còn nếu dùng SSD thì cũng khá là “hên xui”, chúng ta không thể biết được nhà sản xuất đã lấy bao nhiêu phần trăm dung lượng của SSD để làm dung lượng overprovisioning nên hãy cứ thoải mái mà dùng nhé. Khi nào PC có triệu chứng giật lag thì bắt đầu dọn đẹp ổ cứng là vừa.
Duy Anh (Nguoiduatin.vn)