Những bức ảnh Galaxy S9 bị rò rỉ hồi tuần trước đã nhanh chóng cho chúng ta có cái nhìn đầu tiên về một trong những mẫu smartphone được chờ đợi nhất 2018. Thông thường, các thông số kỹ thuật như dung lượng pin, chip xử lý, RAM được nhiều người dùng chú ý. Tuy nhiên, một yếu tố thường bị bỏ qua nhưng lại ngày càng tỏ ra quan trọng, và rất cần thiết để nâng cấp, chính là dung lượng bộ nhớ trong.
Nhằm thu hút sự chú ý của người dùng, các công ty thường tập trung phô diễn việc trang bị chip xử lý mới nhất trên sản phẩm của mình. Snapdragon 845 của Qualcomm hay Exynos 9 của Samsung đều hứa hẹn cho những cải tiến vượt bậc, như quay video 4K HDR tốc độ 60 khung hình/giây hoặc thậm chí là 120 fps. Dù có thể đạt được những khả năng trên, song dung lượng bộ nhớ trong lại thường không đủ để lưu trữ.
Người dùng sử dụng bộ nhớ trong ngày càng nhiều hơn. Thời gian trôi qua, số lượng ảnh chụp, cũng như video quay 4K ngày càng lớn. Rõ ràng, những mẫu smartphone quay 4K như Pixel 2 XL không thể thoả mãn nhu cầu người dùng khi chỉ có bộ nhớ ROM 64 GB. Một đoạn phim 4K độ dài 54 giây đã tốn đến 270 MB, tương đương khoảng 5 MB cho mỗi giây, nghĩa là cần đến 6 GB để lưu trữ đoạn phim dài chỉ 20 phút.
Vì thế, với Galaxy S9 cho khả năng quay 4K tốc độ 120 fps, gấp 4 lần Pixel 2XL, người dùng sẽ cần đến 24 GB để lưu đoạn video độ dài tương tự như trên chiếc smartphone của Google. Chất lượng video tăng là một lẽ, song chúng cũng là mối đe doạ cho bộ nhớ của thiết bị.
Cây bút Vlad Savov của The Verge chia sẻ, trong chiếc smartphone 64 GB của ông, thì khoảng 9,7 GB là dành cho hệ điều hành Android, 5,7 GB cho các ứng dụng khác, 2 GB để lưu trữ game và nhạc là 24 GB. Như vậy, chưa chụp tấm hình nào, thiết bị của Vlad đã tiêu tốn gần 2/3 bộ nhớ.
Nhiều người sẽ cho rằng các dịch vụ lưu trữ trực tuyến sẽ là giải pháp, tuy nhiên cần biết rằng không phải lúc nào thiết bị cũng được kết nối internet, trong khi chế độ offine của các dịch vụ lại thường không thực sự hiệu quả.
Google lẫn Apple đều cung cấp những dịch vụ lưu trữ đám mây. Nếu sở hữu Pixel, người dùng sẽ được miễn phí tiện ích này. Nhưng thực tế người dùng vẫn thích lưu giữ hình ảnh và nhạc của họ trên máy. Lý do dễ hiểu bởi như vậy họ vẫn còn bản sao lưu dự phòng, sử dụng chúng khi không có internet, và đặc biệt là, không phải hình ảnh riêng tư nào cũng có thể tải lên đám mây.
Bên cạnh chất lượng camera được cải tiến, các loại chip mới còn mang đến khả năng xử lý nội dung chất lượng cao, cụ thể là các ứng dụng như VR, AR. Không cần phải nói nhiều, những ai đã từng sử dụng qua những ứng dụng này đều biết chúng ngốn dung lượng như thế nào. Do đó, nếu đã sở hữu những bộ xử lý mạnh nhất trên thị trường, người dùng ít nhất phải cần đến các phiên bản smartphone 128 GB, hoặc thậm chí nhiều hơn.
Xu hướng smartphone qua các năm đều nhắm đến việc tăng thêm khả năng cả về xử lý dữ liệu và pin. Các nhà sản xuất sau đó lại cho ra đời những ứng dụng mới để khai thác sức mạnh đó. Dung lượng lưu trữ là thông số đặc biệt khi nó có nhiều tuỳ chọn (và phải trả nhiều tiền hơn để có như iPhone), đồng thời lại không có nhiều thay đổi đáng kể qua các năm.
Các nhà sản xuất luôn cố gắng chạy đua để tung ra các thông số cấu hình ngày càng mạnh hơn. Nhưng ở 2018, người dùng nên chú ý đến các mẫu smartphone có khả năng lưu trữ đáp ứng được nhu cầu của mình. Dù có thể không phải là thông số hấp dẫn, nhưng nó giúp cho việc sử dụng smartphone được lâu dài.
Theo Đại Việt (Tri Thức Trực Tuyến)