Đầy rẫy tệ nạn trên Telegram

19/08/2023 10:00:00

Buôn bán dữ liệu cá nhân công khai, group sex, công khai mua bán dâm hay quảng cáo game cờ bạc, lừa đảo... là những thứ đang tồn tại trên Telegram trong suốt thời gian qua.

Từ buôn bán dữ liệu cá nhân đến “sex” và quảng cáo game cờ bạc

Nhờ tính bảo mật, đặc biệt là tin nhắn mã hoá và có thể xoá lịch sử chat của tất cả mọi người, Telegram đã trở thành ứng dụng nhắn tin được đông đảo người dùng tại Việt Nam sử dụng. Tuy nhiên, đi kèm với nó là đầy rẫy các tệ nạn tồn tại trên nền tảng này.

Như VietNamNet đã phản ánh, một số lượng lớn thông tin cá nhân của người dùng từ thông tin thuê bao điện thoại, thông tin về tài khoản MoMo, biển số xe và thậm chí là cả hộ khẩu… đang được rao bán công khai trên nền tảng Telegram thông qua một bot tự động trong thời gian qua, đi kèm đó là một group có tên Dataxxx để hỗ trợ.

Hiện group buôn bán thông tin cá nhân này vẫn ngang nhiên tồn tại và thậm chí từ 1/8 giá tra cứu đã tăng gấp 5 lần. Nếu như trước đây, mỗi lần tra cứu thông tin các đối tượng sẽ lấy 0,99 USD thì hiện tại đã lên 4,99 USD. Kể cả đóng tiền thành khách hàng VIP thì mức giá lúc tra cứu sẽ vẫn như cũ. Group buôn bán này đã có gần 7.000 người tham gia. 

Đầy rẫy tệ nạn trên Telegram
Nhiều tệ nạn trên Telegram.

Bên cạnh group buôn bán thông tin cá nhân, trên Telegram còn tồn tại hàng loạt group sex công khai. Nổi bật nhất là hệ thống group có tên lẩuxxx với hơn 200 nghìn người tham gia, đi kèm đó là rất nhiều kênh khác nhau, trong đó có kênh lên tới 600 nghìn người theo dõi.

Các kênh tràn ngập hình ảnh, clip sex, cùng các hoạt động mua bán dâm chia sẻ công khai, hay các cô gái mời gọi điện để show cơ thể… Đáng chú ý, các group còn kèm cả quảng cáo game bài đổi thưởng. Ngoài ra, còn hàng loạt các group khác như hẹn hòxxx với hoạt động cho thuê người yêu (núp bóng bán dâm) hay vườnxxx tuyển các "phi công cho máy bay",…

Telegram cũng trở thành "thiên đường" để quảng cáo game bài đổi thưởng, khi nhan nhản các group game bài như Winxx, W08x, Vi68x… với số lượng người tham gia lên đến hàng chục nghìn. Các group mời gọi người dùng tải game về, đi kèm là các code VIP, quà tặng cho người chơi mới.

Bên cạnh đó, thời gian qua, Telegram cũng được sử dụng như một công cụ để lừa đảo, bằng cách kêu gọi người dùng tham gia các hội, nhóm đầu tư hay thực hiện các nhiệm vụ lĩnh thưởng...

Rất khó để quản lý Telegram

Theo anh Hoàng Quốc Thanh, một lập trình viên tại TP.HCM, các hoạt động như trên diễn ra công khai trên Telegram là do tính bảo mật ưu việt mà OTT này mang lại. Trong đó đặc biệt là tin nhắn được mã hoá đầu cuối và có thể xoá sạch lịch sử cuộc trò chuyện cá nhân hay cả group trong một thao tác. Điều này khiến nhiều người đổ về sử dụng nền tảng này trong những năm gần đây, nhất là lúc các dự án về blockchain lên ngôi.

Bên cạnh đó, nền tảng OTT này cũng hỗ trợ các giao diện lập trình API, cho phép các lập trình viên tạo ra các con bot tự động làm gần như hết mọi việc, nên những người hoạt động trái pháp luật cũng dễ dàng che giấu thân phận của mình. Nhờ sự xuất hiện của tiền mã hoá, hiện nay, các giao dịch trên Telegram cũng hầu hết sử dụng đơn vị tiền này khiến cơ quan chức năng rất khó để truy vết các đối tượng.

Theo ông Vũ Ngọc Sơn, Giám đốc Kỹ thuật của Công ty Công nghệ an ninh mạng Việt Nam – NCS, sở dĩ trên Telegram các “tệ nạn” diễn ra một cách công khai và thu hút nhiều người tham gia là do nền tảng này cho phép tạo các hội nhóm số lượng lớn thành viên, hoàn toàn miễn phí; Telegram không bị kiểm duyệt; Tin nhắn mã hoá đầu cuối; Xoá lịch sử (cho tất cả mọi người). Đồng thời, nền tảng cũng hỗ trợ các giao diện lập trình API, giúp cho các nhà phát triển phần mềm có thể lập trình các phần mềm tương tác với người dùng hay nhóm chat một cách tự động. Nhờ đó, các đối tượng lừa đảo có thể tạo nhiều tài khoản ảo, cò mồi, tham gia tung hứng, đưa thông tin giả, khiến cho người tham gia cảm giác luôn sôi động, có nhiều người kiếm được tiền hoặc giải thưởng. Nhưng thực chất, các đối tượng này cùng một nhóm, sau khi lừa được con mồi thì chúng có thể âm thầm rút đi và xoá hết các nội dung đã trao đổi trước đó.

Ông Vũ Ngọc Sơn cho biết, khó khăn lớn trong việc quản lý Telegram hiện tại là tuy mạng OTT này hoạt động như các nhà mạng, tức là có tài khoản tương đương với số điện thoại, qua đó có thể gọi điện, nhắn tin, như một mạng viễn thông thông thường, nhưng nó còn vượt trội hơn khi cho phép gửi file âm thanh, video, tạo nhóm,...

Trong khi các nhà mạng chịu sự quản lý của Luật Viễn thông và các cơ quan chức năng, ví dụ như yêu cầu về định danh, yêu cầu về hợp đồng chính chủ… thì các ứng dụng OTT như Telegram hoàn toàn không phải tuân theo một quy định nào. Chẳng hạn như người dùng có thể tạo lập tài khoản tuỳ ý, không cần xác thực bằng chứng minh thư hay căn cước công dân, gửi tin nhắn spam tới nhiều người không bị xử lý,...

Đặc biệt, theo ông Sơn, toàn bộ dữ liệu lại được lưu ở nước ngoài, khi cần điều tra truy vết, đòi hỏi sự hợp tác của Telegram thì không phải lúc nào cũng thực hiện được. 

Theo Lê Mỹ (VietNamNet)