Vào ngày 10/10 vừa qua, một thông báo xuất hiện trên trang dịch vụ khách hàng của nền tảng JD.com từ một đơn vị có tên "Cửa hàng thiết bị nhà bếp Changhong". Nội dung như sau:
"Vào ngày 8/10, hơn 200.000 đơn đặt hàng đã được đặt thành công với mức giá thấp hơn nhiều so với giá vốn chỉ trong một thời gian ngắn, điều này đã khiến công ty thua lỗ lớn và đang đứng trước nguy cơ phá sản, không thể thu xếp để giao hàng. Tôi cầu xin mọi người hãy giơ cao đánh khẽ, cho chúng tôi cơ hội được sống sót."
Sự việc sau đó được chia sẻ cụ thể là do một đại lý đã có hành động ác ý đưa ra thông tin khuyến mại lừa đảo, nên những chiếc ấm điện Changhong của công ty này đã được rao bán với mức giá thấp hơn nhiều trong ngày 8/10. Dù chỉ được rao bán trong thời gian ngắn, hơn 200.000 đơn hàng đã được người tiêu dùng đặt, gây ra thiệt hại lớn về doanh thu.
Bởi giá bán gốc của chúng là 62,9 nhân dân tệ (khoảng 220.000 đồng) nhưng đã bị đổi giá thành 7,9 tệ (khoảng 27.000 đồng), thậm chí có người còn đặt mua được với giá 2,9 tệ (khoảng 10.000 đồng).
Công ty hiện không thể giao hàng, đứng trước bờ vực phá sản, nhiều nhân viên cũng sẽ đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Đại diện doanh nghiệp cho biết hiện đã báo cáo vụ việc lên các sở ngành liên quan. Tuy nhiên, trước hết công ty mong muốn những người đã đặt hàng ấm điện Changhong hủy đơn đã đặt.
Hiện tại trong gian hàng của đơn vị này chỉ còn các sản phẩm lò nướng đang đăng bán.
Tuy nhiên, các thông tin liên quan cho thấy mặc dù cửa hàng này được gọi là "Thiết bị nhà bếp Changhong", trông giống như cửa hàng chính thức của tập đoàn Changhong, nhưng thực tế các giấy tờ đăng ký cho thấy đây chỉ là nhà phân phối thương hiệu chứ không phải cửa hàng chính thức. Công ty này được thành lập vào ngày 18/2/2014, với số vốn đăng ký 3 triệu nhân dân tệ và có 37 nhân viên.
Đại diện công ty cũng không chia sẻ chi tiết về "lỗ hổng" trong hoạt động kinh doanh và tiếp thị của mình, khiến cho chương trình khuyến mại bị đặt sai giá một cách nghiêm trọng đến như vậy.
Hiện tại, vẫn chưa rõ liệu công ty có thực sự phá sản hay không. Tuy nhiên, việc yêu cầu người tiêu dùng hoàn lại tiền và tuyên bố không công nhận sự kiện khuyến mại là hợp lệ, đồng thời không thể vận chuyển đơn hàng nhưng đã khiến cư dân mạng Trung Quốc bàn tán sôi nổi. Từ khóa liên quan tới sự việc chiếm vị trí thứ hai trên Weibo, với hơn 200 triệu người đã tham gia thảo luận về chủ đề này.
Hầu hết mọi người đều cho rằng việc mong người tiêu dùng trả lại sản phẩm là rất khó khăn. Một số người còn nghi ngờ rằng đây là một sai sót trong thao tác đăng bán của chính công ty, do đó doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm và không nên mong chờ mọi người thông cảm.
"Trước khi sự kiện diễn ra, ê-kíp vận hành phải kiểm duyệt gắt gao, làm sao có thể dễ dàng xảy ra sư việc này?", một người dùng bình luận.
Nhiều cư dân mạng cho biết cả sự kiện kéo dài từ 6 giờ đến 8 giờ, không thể có chuyện đội ngũ vận hành không phát hiện ra bất cứ vấn đề gì trong khoảng thời gian này.
Trong quá khứ, các sự việc sai lầm tương tự không hề hiếm. Một trong những trường hợp nổi tiếng nhất là trên nền tảng Pinduoduo vào tháng 1/2019, khi người dùng phát hiện lỗ hổng cho phép chỉ cần trả 4 hào để nhận 100 nhân dân tệ tiền nạp điện thoại. Sự cố này đã khiến nền tảng Pinduoduo thiệt hại hơn 10 triệu nhân dân tệ.
Một trường hợp tương tự cũng rơi vào ông lớn Tencent. Trong dịp Tết Dương lịch 2018, Tencent đã phát động chiến dịch nạp tiền giảm giá, nhưng do dữ liệu nền của máy chủ gặp sự cố, một số người dùng phải trả giá chiết khấu 18 tệ khi nạp tiền chỉ bị trừ 0,2 tệ. Vào thời điểm đó, lỗ hổng này đã thu hút 390.000 người dùng tham gia. Sau đó, Tencent đã thông báo rằng đây là lỗi làm việc của công ty, nên sẽ tôn trọng tất cả các đơn hàng bất thường này mà không khấu trừ. Thiết hại cuối cùng hơn 50 triệu nhân dân tệ, nhưng bù lại công ty đã giành được nhiều lời khen ngợi từ cư dân mạng.
Một số sự cố nhỏ lẻ khác cũng đã xuất hiện trên các nền tảng thương mại trực tuyến ở Trung Quốc, như việc nồi nấu đa năng Suning Tesco có giá gốc 1.080 tệ được bán tới 28,5 tệ, hay dòng son TF được bán với giá 0 đồng.
Có thể thấy, các sàn thương mại điện tử vẫn còn nhiều lỗi, khiến nhiều bên có thể lợi dụng lỗ hổng để chuộc lợi. Tuy nhiên, với câu chuyện của cửa hàng ở trên, nhiều người cho rằng người tiêu dùng không có lỗi và doanh nghiệp nên chịu trách nhiệm về hành động của mình, bởi đây rõ ràng là vấn đề trong hoạt động marketing. Các nền tảng thương mại điện tử cũng được cho là cần tăng cường giám sát các doanh nghiệp để họ tuân thủ hợp đồng mua bán và giao hàng đúng hẹn theo đơn.
Theo Bảo Nam (Pháp Luật & Bạn Đọc)