Theo một nghiên cứu của Đại học California (Mỹ) và được The Washington Post trích dẫn, việc yêu cầu ChatGPT viết một email dài 100 từ tiêu tốn khoảng 519 ml nước. Mặc dù điều này nghe có vẻ đơn giản nhưng khi xem xét hàng triệu người dùng sử dụng dịch vụ này hàng ngày, con số tiêu thụ nước trở nên đáng kể.
Chính vì lý do này, nhiều dịch vụ chatbot AI tương tự đã bắt đầu cung cấp gói đăng ký cao cấp hoặc giới hạn số lượng tin nhắn miễn phí nhằm kiểm soát chi phí liên quan đến việc tiêu thụ nước và năng lượng.
Đây không phải là vấn đề chỉ riêng các chatbot AI mà cũng đến với nhiều lĩnh vực khác trong thế giới công nghệ ngày nay. Thực tế là, ngay cả các dịch vụ tìm kiếm như Google cũng cần nước để làm mát các máy chủ của họ. Mặc dù nước được sử dụng để làm mát các hệ thống máy chủ không nhất thiết phải uống được, nhưng việc tiêu thụ lượng nước lớn từ các công ty công nghệ quy mô lớn đang gây ra những vấn đề môi trường nghiêm trọng. Do đó, nhiều công ty đang tìm kiếm các giải pháp thay thế bền vững hơn.
Lấy ví dụ với Microsoft, công ty đã thực hiện một thí nghiệm sáng tạo trong dự án Natick, nơi họ nhấn chìm một trung tâm dữ liệu dưới đại dương như là cách để giải quyết việc tiêu thụ nước cho các hệ thống máy chủ. Về cơ bản, dự án này nhằm cải thiện hiệu quả năng lượng và làm mát bằng cách tận dụng nhiệt độ thấp của nước biển, giúp giữ cho máy chủ ở nhiệt độ tối ưu mà không cần đến các hệ thống làm mát truyền thống. Google và Meta cũng đang khám phá các giải pháp tương tự, đặc biệt ở những khu vực có nguồn nước hạn chế.
Xét cho cùng, mỗi lần sử dụng ChatGPT, người dùng đang góp phần vào việc tiêu thụ một lượng nước đáng kể. Điều này cũng xảy ra với các công cụ tìm kiếm khác và hàng ngàn trang web, mặc dù mức độ tiêu thụ nước có thể khác nhau.
Theo Kiến Tường (Nguoiduatin.vn)
https://www.nguoiduatin.vn/choang-voi-luong-nuoc-tieu-hao-cho-moi-lenh-chatgpt-20424091215000886.htm