Trong khi chính phủ Mỹ gây áp lực lên các nước đồng minh nhằm loại Huawei khỏi danh sách cung cấp 5G, gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc vẫn vững vàng khi sở hữu một cơ sở hạ tầng viễn thông quan trọng: cáp ngầm.
Huawei mạnh thế nào?
Hầu như mọi quá trình truyền dữ liệu đều sử dụng hệ thống cáp ngầm dưới đáy đại dương. Các vệ tinh truyền thông cũng được sử dụng, song tỷ lệ dữ liệu chỉ chiếm 1%. Trong đó Mỹ, châu Âu và Nhật Bản là các nước thống trị thị trường.
Huawei vừa có thêm thành tựu trong ngành công nghiệp này, khi hoàn tất một tuyến cáp nối Nam Mỹ với châu Phi.
Ngay bây giờ, Washington đang nỗ lực loại bỏ các thiết bị Huawei khỏi cơ sở hạ tầng thế hệ 5 - cung cấp dịch vụ viễn thông nhanh hơn nhiều so với thế hệ hiện tại. Sau Nhật Bản và Australia, chính quyền Donald Trump tiếp tục gây áp lực buộc Anh, Đức và Pháp tham gia kế hoạch.
Về phần mình, Huawei không có dấu hiệu lùi bước. Nhà sản xuất này đang chuẩn bị cho những đợt bán hàng mới ở châu Âu, Đông Nam Á , Trung Đông và châu Phi. Trung Quốc sẵn sàng bước vào cuộc chiến thương mại dai dẳng với Mỹ, chủ yếu về công nghệ viễn thông và kiểm soát dữ liệu.
Có gần 400 tuyến cáp ngầm đang nằm dưới đáy biển. Các quốc gia cũng vận hành một số lượng lớn cáp bí mật, phục vụ mục đích quân sự.
Công ty dẫn đầu trong thị trường cáp ngầm toàn cầu là SubCom, thuộc tập đoàn Nhật - Mỹ NEC và Alcatel - Lucent của Châu Âu. Kết hợp với nhau, những công ty này chiếm hơn 90% tổng chiều dài cáp trên thế giới.
Khoảng một thập kỷ trước, Huawei đã liên doanh với Global Marine Systems của Anh, chính thức tham gia ngành công nghiệp cáp ngầm. Công ty Trung Quốc bành trướng sự hiện diện của mình bằng cách tạo những liên kết nhỏ ở khu vực Đông Nam Á và Nga. Vào tháng 9 năm ngoái, Huawei gây bất ngờ cho Nhật Bản, Mỹ và châu Âu khi hoàn thành tuyến cáp xuyên Đại Tây Dương dài 6.000 km nối Brazil với Cameroon.
Điều này cho thấy năng lực phát triển mạnh của Huawei, dù vẫn thua xa những công ty đi trước về kinh nghiệm và số lượng cáp.
Ở giai đoạn 2015 - 2020, Huawei dự kiến hoàn thành 20 tuyến cáp mới - chủ yếu là các tuyến ngắn dưới 1.000 km. Nếu hoàn thành tất cả dự án trên, thị phần của công ty có thể đạt mức 10%.
Trong tương lai, Huawei có thể tiếp tục hoạt động như một tân binh tiềm năng của nền công nghiệp cáp ngầm. Công ty ước tính tham gia vào khoảng 30 tuyến cáp biển, và 60 dự án giúp tăng cường khả năng truyền tải dữ liệu.
Thực tế, ngay cả khi Mỹ loại bỏ thành công Huawei ra khỏi danh sách cung cấp 5G ở các quốc gia lớn, công ty Trung Quốc vẫn có thể đe doạ ngược lại Mỹ trong việc quản lý dữ liệu toàn cầu.
Những lo ngại và giải pháp
Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ, Nhật Bản và Australia đang cân nhắc cấm Huawei đặt cáp kết nối. Đồng thời kêu gọi chính phủ các nước ngăn công ty tham gia vào việc xây dựng bất kỳ tuyến cáp nào. Tuy nhiên, có những yếu tố khiến giải pháp trên không hiệu quả với Huawei.
Chỉ trong một thập kỷ, Huawei đã có thể thách thức đối thủ phương Tây. Ngoài tuyến cáp Brazil - Cameroon, gã khổng lồ Trung Quốc đang xây dựng các công trình liên kết Pakistan với Kenya, Djibouti với Pháp. Công ty cũng có những tuyến cáp đất liền giúp nâng cao khả năng truyền dữ liệu.
Chính sách của Bắc Kinh cũng có vai trò quan trọng. Không rõ Huawei nhận được bao nhiêu hỗ trợ từ chính phủ, nhưng ít ra đó là lợi thế đáng kể về chi phí so với các đối thủ.
Vậy, thế giới nên phản ứng ra sao trước sự lớn mạnh của Huawei trong ngành công nghiệp cáp?
Hầu như không thể loại bỏ hoàn toàn công ty Trung Quốc khỏi quá trình phát triển cơ sở hạ tầng quốc tế. Nhu cầu dữ liệu ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang rất lớn, và rất khó để các cường quốc trong ngành có thể đáp ứng một mình.
Lúc này, Nhật Bản, Mỹ và Châu Âu cần tập trung duy trì quyền kiểm soát với “những tuyến cáp cốt lõi” - thứ mang thông tin bảo mật và dữ liệu công nghệ nhạy cảm. Ví dụ, các dây cáp kết nối NATO sẽ bị giới hạn với Huawei.
Một lựa chọn khác là tăng cường an ninh cho các trạm tiếp nhận thông tin. Các chuyên gia cho biết rất khó để chặn luồng thông tin đi qua cáp quang, nhưng có thể kiểm soát dữ liệu đến các trạm tiếp nhận. Nếu một trạm như vậy bị phá huỷ, lượng lớn dữ liệu kinh tế thế giới và nhiều thông tin liên lạc quan trọng khác có thể mất ngay lập tức, với những hậu quả tàn khốc kèm theo.
Cạnh tranh cáp ngầm không phải khái niệm mới. Sau khi Chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, một cuộc tranh cãi quyết liệt xảy ra giữa những nước chiến thắng về cách phân chia các tuyến cáp của Đức.
Trong quá trình này, Nhật Bản đã có được tuyến cáp nối đảo Yap ở Nam Thái Bình Dương với Thượng Hải - liên kết đặt nền tảng cho sự phát triển mạng lưới viễn thông quốc tế.
Còn bây giờ, đó là cuộc chiến toàn cầu giữa Mỹ và Trung Quốc.
Theo Hữu Chiến (Tri Thức Trực Tuyến)