Gần 20% dữ liệu thu thập được sử dụng để theo dõi người dùng
Nghiên cứu hành vi xử lý thông tin cá nhân của người dùng được thực hiện dựa trên 100 ứng dụng phổ biến, thuộc 10 danh mục khác nhau, bởi Trung tâm nghiên cứu của Surfshark. Các ứng dụng này được chọn dựa trên mức độ nổi bật của chúng. Nghiên cứu này của Surfshark đã tiết lộ những lo ngại đáng kể về việc thu thập và theo dõi dữ liệu người dùng khi Surfshark phát hiện ra các ứng dụng mua sắm và giao đồ ăn là những ứng dụng thu thập nhiều dữ liệu nhất. Đáng chú ý, các ứng dụng này có nhiều khả năng liên kết dữ liệu được thu thập với danh tính người dùng, với 95% điểm dữ liệu được liên kết trực tiếp với người dùng. Hơn nữa, một phần đáng kể của dữ liệu này, khoảng một phần ba, được chia sẻ với các mạng quảng cáo hoặc nhà môi giới dữ liệu của bên thứ ba. Kiểu xử lý dữ liệu này gây ra mối đe dọa đáng kể cho quyền riêng tư của người dùng.
Agneska Sablovskaja, trưởng nhóm nghiên cứu tại Surfshark, lưu ý rằng công ty đã phát hiện ra một xu hướng đáng lo ngại khi gần 20% dữ liệu thu thập được sử dụng để theo dõi người dùng. Sablovskaja cho biết dữ liệu được theo dõi như vậy có thể dùng để phân phối quảng cáo được cá nhân hóa nhắm mục tiêu đến người dùng hoặc giúp các công ty nghiên cứu thị trường của họ. Ngoài ra, Amazon là ứng dụng duy nhất trong số các ứng dụng mua sắm và giao đồ ăn không sử dụng dữ liệu thu thập được để theo dõi người dùng.
Facebook và Instagram là những ứng dụng xâm phạm quyền riêng tư của người dùng nhất
Cũng theo 1 cuộc điều tra của Surfshark, một số ứng dụng có các biện pháp bảo vệ quyền riêng tư rất yếu kém. Trong số đó, Facebook và Instagram là những ứng dụng xâm phạm quyền riêng tư nhất. Đáng chú ý là cả hai ứng dụng này đều thuộc Meta và những thông tin nhạy cảm được thu thập để theo dõi người dùng có thể kể đến như tên, địa chỉ email, số điện thoại và địa chỉ thực. Số điểm dữ liệu mà hai ứng dụng này thu thập lên tới 32, gấp đôi con số trung bình 15 trong tất cả các ứng dụng được phân tích và nghiên cứu. Những thông tin này đều được liên kết đến người dùng.
Theo sau 2 ứng dụng này là TikTok khi nghiên cứu chỉ ra rằng ứng dụng này thu thập 24 điểm dữ liệu, 3 điểm trong số đó bao gồm địa chỉ email, số điện thoại và ID thiết bị của người dùng được sử dụng cho mục đích theo dõi.
Các cách hạn chế xâm phạm quyền riêng tư khi sử dụng ứng dụng điện thoại
Cách 1: Hạn chế chia sẻ thông tin trên các ứng dụng, phần mềm dịch vụ
Để bảo vệ quyền riêng tư cá nhân trên Internet, người dùng nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân. Người dùng cần check lại các thông tin trên tài khoản mạng xã hội của mình, và xóa những thông tin không bắt buộc khỏi các trang mạng.
Cách 2: Cân nhắc xóa các ứng dụng nếu tần suất sử dụng thấp và không cần thiết
Người dùng có thể cân nhắc xóa các ứng dụng trên di động hoặc các tiện ích trên trình duyệt nếu ít sử dụng, chỉ tải các ứng dụng – tiện ích thực sự uy tín và quen thuộc, hạn chế tải các ứng dụng lạ vào thiết bị.