Thông tin với phóng viên VietNamNet ngày 14/10, đại diện một nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) tại Việt Nam cho biết, sự cố trên nhánh S7 của tuyến cáp quang biển quốc tế Asia Pacific Gateway (APG) đã được sửa xong vào ngày 11/10.
Thời điểm hiện tại, các kênh truyền trên tuyến cáp biển APG đã được khôi phục hoàn toàn, kết thúc gần 9 tháng tuyến cáp biển này bị gián đoạn dịch vụ do gặp sự cố trên các cáp nhánh.
Đại diện ISP cũng chia sẻ thêm, việc tuyến cáp biển APG hoạt động trở lại bình thường giúp giảm đáng kể áp lực cho các doanh nghiệp viễn thông trong công tác đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ Internet quốc tế cung cấp tới các cá nhân, tổ chức.
Cáp biển APG được đưa vào khai thác từ cuối năm 2016, góp phần mang lại đường truyền ổn định với dung lượng lớn hơn cho người dùng Internet tại Việt Nam. Tuyến cáp biển này được đặt ngầm dưới biển Thái Bình Dương, có chiều dài khoảng 10.400 km, với nhiều điểm kết nối ở Trung Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Đây là tuyến cáp biển có các nhà mạng Việt Nam VNPT, Viettel, CMC và FPT tham gia đầu tư.
Kể từ cuối tháng 12/2022 khi gặp sự cố phân đoạn S6 gần Hong Kong (Trung Quốc) cho đến tháng 8/2023, tuyến cáp biển APG đã liên tục được phát hiện thêm nhiều lỗi mới trên các nhánh S7, S9. Điều này đã khiến cho thời hạn tuyến cáp biển APG được hoàn thành sửa chữa, khắc phục sự cố cũng nhiều lần bị lùi so với các kế hoạch dự kiến mà đơn vị quản lý tuyến cáp biển thông báo.
Với việc tuyến cáp biển APG đã được sửa xong, hiện nay chỉ còn duy nhất tuyến cáp biển AAE-1 đang gặp sự cố. Cáp biển AAE-1 gặp sự cố vào sáng ngày 27/9, gây mất dung lượng trên hướng cáp kết nối đi Singapore của tuyến. Cho đến nay, các ISP tại Việt Nam vẫn chưa được đối tác quốc tế thông báo về lịch khắc phục sự cố mới của tuyến cáp biển AAE-1.
Kết nối Internet từ Việt Nam đi quốc tế hiện đang dựa chủ yếu vào 5 tuyến cáp quang biển AAG, APG, IA, AAE-1 và SMW3.
Mặc dù thời gian qua các tuyến cáp quang biển quốc tế liên tục gặp sự cố. Tuy nhiên, với kinh nghiệm nhiều năm ứng phó với các sự cố cáp biển, các doanh nghiệp viễn thông trong nước vẫn đang duy trì tương đối tốt các dịch vụ kết nối Internet quốc tế cung cấp cho người dùng.
Cụ thể, theo số liệu đánh giá của Speedtest, trong quý III năm nay, tốc độ truy cập Internet băng rộng cố định của Việt Nam là 93,11 Mbps (tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 46 và cao hơn 10,34 Mbps so với mức trung bình thế giới; tốc độ truy nhập Internet băng rộng di động đạt 47,08 Mbps (tăng 19,52% so với cùng kỳ năm 2022), xếp thứ 49 và cao hơn 3,88 Mbps so với mức trung bình thế giới.
Hạ tầng viễn thông là 1 trong những thành phần của hạ tầng số, bên cạnh các thành phần khác gồm hạ tầng dữ liệu, hạ tầng công nghệ như dịch vụ và các nền tảng số có tính hạ tầng. Bộ TT&TT đã xác định rõ quan điểm hạ tầng số Việt Nam phải có dung lượng siêu lớn, băng thông siêu rộng, phổ cập, bền vững, xanh, thông minh, mở và an toàn.
Với mục tiêu đảm bảo tính an toàn, bền vững của hệ thống cáp viễn thông kết nối từ Việt Nam đi quốc tế, Cục Viễn thông đã được Bộ TT&TT giao nhiệm vụ phối hợp với các doanh nghiệp viễn thông để xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai, thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp phát triển hệ thống cáp viễn thông kết nối Việt Nam đi quốc tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
Dự thảo kế hoạch đặt mục tiêu đến cuối năm 2026 sẽ có thêm 3 tuyến cáp quang biển ADC, SJC2 và ALC có các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam tham gia đầu tư được đưa vào sử dụng.
Dự kiến đến năm 2030, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam sẽ tham gia đầu tư thêm tối thiểu 6 tuyến cáp biển kết nối quốc tế, trong đó có 3 tuyến cáp do doanh nghiệp viễn thông Việt Nam chủ trì.
Để thực hiện mục tiêu trên, nhiệm vụ cụ thể về đầu tư phát triển hệ thống cáp viễn thông trên biển kết nối từ Việt Nam đi quốc tế sẽ được Bộ TT&TT giao cho các doanh nghiệp viễn thông trong nước.
Song song đó, Bộ TT&TT cũng có định hướng về việc doanh nghiệp viễn thông xây dựng, phát triển các tuyến cáp đất liền kết nối quốc tế để có phương án đáp ứng dự phòng cho cáp biển, với mức dự phòng chiếm tối thiểu 20% lưu lượng thực đi quốc tế của doanh nghiệp.
Theo Vân Anh (VietNamNet)