Chỉ cần tìm kiếm từ khóa "đọc trộm tin nhắn Zalo" trên Google hoặc Facebook, bạn sẽ thấy hàng loạt dịch vụ và hội nhóm nhận theo dõi, định vị, đọc trộm tin nhắn với nhiều mức giá khác nhau.
Hầu hết các quảng cáo này đều có nội dung tương tự: "Hỗ trợ đọc trộm tin nhắn Zalo, Facebook, lấy lại tài khoản, xong mới thanh toán, không cần đặt cọc trước". Tuy nhiên, khi liên hệ với một tài khoản cung cấp dịch vụ, người này cho biết phí là 500.000 đồng và yêu cầu chuyển khoản trước mới “chốt đơn”.
Lý do đưa ra đó là phải mất tiền “kĩ thuật” khi xâm nhập vào các tài khoản mục tiêu, 50% còn lại mới là tiền công mà các đối tượng được hưởng. Bên cạnh đó, để tăng độ uy tín, các đối tượng này cũng sẵn sàng “bảo hành” với thời gian lên đến 2 tháng.
Theo đó, sau khi đã hack nick thành công và có thể đọc được tin nhắn người khác, nếu có sự cố hay bất cứ vấn đề nào liên quan đến bảo mật, người sử dụng dịch vụ này có thể liên hệ với đối tượng và được fix lỗi miễn phí.
Ngoài ra, kẻ gian còn gửi hình một số đoạn chat của người khác với nội dung đã chuyển khoản, hài lòng về dịch vụ, phản hồi tốt… để tạo lòng tin nơi bạn. Nếu bạn chuyển tiền trước, kẻ gian sẽ ngay lập tức chặn tài khoản Zalo và thu hồi tin nhắn. Lúc này, nạn nhân cũng sẽ không dám chia sẻ về việc bị lừa đảo chỉ vì muốn đọc trộm tin nhắn Zalo, do đó đành phải chấp nhận mất tiền.
Bên cạnh đó, việc cố tình tìm hiểu, đọc trộm thông tin của người khác cũng là một hành vi vi phạm pháp luật. Theo đó, người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng tuỳ mức độ. Nếu đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Các đối tượng này có thể bị truy cứu trách nhệm hình sự với mức phạt tù lên tới 3 năm.
Người dùng có thể bảo vệ mình bằng cách kiểm tra xem mình có bị đọc trộm tin nhắn Zalo bằng cách sau:
- Bước 1: Đầu tiên, bạn hãy cập nhật ứng dụng Zalo trên điện thoại lên phiên bản mới nhất thông qua Google Play hoặc App Store.
- Bước 2: Khi hoàn tất, người dùng chỉ cần mở ứng dụng Zalo và đăng nhập bằng tài khoản tương ứng.
- Bước 3: Tiếp theo, bạn hãy chuyển sang mục Cá nhân, bấm vào biểu tượng cài đặt ở góc trên bên phải và chọn Tài khoản và bảo mật - Thiết bị đăng nhập.
- Bước 4: Tại đây, Zalo sẽ hiển thị danh sách các thiết bị đang đăng nhập tài khoản, nếu thấy xuất hiện thiết bị lạ, người dùng chỉ cần chọn thiết bị và nhấn Đăng xuất.
- Bước 5: Để đảm bảo an toàn, bạn cũng nên đổi mật khẩu Zalo bằng cách quay ngược lại mục trước đó và chọn Mật khẩu, nhập mật khẩu cũ và mật khẩu mới tương ứng.
Thông thường, để đọc trộm tin nhắn Zalo, người khác sẽ tìm cách đăng nhập tài khoản của bạn trên trình duyệt. Do đó, nếu muốn kiểm tra mình có bị đọc trộm tin nhắn Zalo hay không, người dùng chỉ cần kiểm tra danh sách các thiết bị đăng nhập, sau đó đăng xuất thiết bị lạ (nếu có) và đổi mật khẩu mới, đồng thời kích hoạt xác minh 2 lớp.
Ngoài ra, bạn có thể sử dụng miếng dán chống nhìn trộm hoặc áp dụng ứng dụng Privacy Screen Filter để người ngồi cạnh không thể quan sát được nội dung trên màn hình điện thoại của bạn.
Theo Nhật Hạ (Nguoiduatin.vn)