Các cơn bão Mặt trời là hiện tượng khi khối lượng lớn các hạt tích điện và plasma được phóng ra khỏi Mặt trời và thổi vào không gian vô cùng ngoạn mục. Đám mây chuyển động nhanh mang các hạt vật chất có tính từ hóa, có thể gây thiệt hại nghiêm trọng tới cơ sở hạ tầng internet hiện có trên Trái đất.
Tuy nhiên, nếu một cơn bão Mặt trời xảy ra trong thời gian sắp tới, có thể bạn sẽ không chia sẻ được nó với bạn bè thông qua mạng internet.
Tại hội nghị truyền thông dữ liệu SIGCOMM 2021, các nhà nghiên cứu từ Đại học California cảnh báo rằng, cơn bão mặt trời tiếp theo có thể xảy ra bất cứ khi nào. Khi xảy ra, nó có thể dẫn tới tình trạng mất internet trên toàn thế giới trong hàng tháng trời.
Bài thuyết trình với tiêu đề "Siêu bão Mặt trời: Lập kế hoạch cho "ngày tận thế của internet" mô tả, Trái Đất sẽ liên tục hứng những "cơn mưa rào" các hạt vật chất phóng ra từ Mặt trời. Tuy nhiên, hầu hết các thiết bị điện tử trên hành tinh đều vẫn hoạt động tốt. Bởi bầu khí quyển Trái Đất hoạt động như một lá chắn, ngăn phần lớn bức xạ có hại và các hạt tích điện, khiến chúng bắn ngược trở lại không gian.
Tuy nhiên, trong một số trường hợp, Mặt trời có thể phóng ra một khối lượng hạt vật chất đủ lớn để che phủ Trái đất, "ấp đảo" hệ thống phòng thủ của bầu khí quyển. Hiện tượng này có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới những sợi cáp Internet khổng lồ được đặt dưới biển để kết nối giữa các lục địa và gây ra tình trạng mất Internet toàn cầu. Việc khôi phục hệ thống có thể kéo dài trong nhiều tháng.
Việc gián đoạn mạng Internet trong thời gian dài có thể kéo theo những tác động nghiêm trọng về kinh tế và công việc của hàng triệu người. Chia trẻ trong bài thuyết trình, Abdu Jyothi, ước tính tác động kinh tế của sự gián đoạn Internet trong một ngày ở Mỹ có thể lên tới hơn 7 tỷ USD.
"Chúng ta chưa sẵn sàng cho việc này. Đến nay, chưa có một phương thức đối phó hiệu quả nào được đề ra", Sangeetha Abdu Jyothi, trợ lý giáo sư tại Đại học California, chia sẻ.
Những cơn bão Mặt Trời lớn có thể dẫn tới gián đoạn sóng vô tuyến vệ tinh, thiết bị truyền tải điện mặt đất và gây thiệt hại trên diện rộng. Theo nghiên cứu của Abdu Jyothi, từ khi hệ thống Internet toàn cầu được phát triển, những thiệt hại tiềm tàng từ một cơn bão địa từ tương tự vẫn là ẩn số. Hệ thống Internet thế giới vẫn rất mỏng manh dưới tác động của bão Mặt Trời.
Tuy nhiên, các kết nối Internet cục bộ và khu vực sẽ ít thiệt hại vì cáp quang không bị ảnh hưởng bởi dòng điện cảm ứng địa từ.
Trong khi đó, hệ thống cáp quang biển kết nối Internet giữa các lục địa là một câu chuyện khác. Bộ lặp tín hiệu của các loại cáp này rất dễ bị ảnh hưởng bởi dòng địa từ, toàn bộ dây cáp có thể trở nên vô dụng nếu một bộ lặp gặp vấn đề.
Tuy nhiên, khả năng để những cơn bão này tác động trực tiếp lên Trái Đất chỉ chiếm 1,6%-12% mỗi thập kỷ. Những dữ liệu hiện có về bão Mặt trời rất ít. Các sự kiện lớn về hiện tượng này mới chỉ được ghi lại 3 lần trong lịch sử. Cơn bão Mặt trời gần nhất xuất hiện năm 2014, tuy nhiên, sức ảnh hưởng tới Trái đất không nghiêm trọng.
Sự kiện Carrington là cơn bão Mặt trời dữ dội nhất từng được ghi lại, xảy ra năm 1859. Từ quyển của Trái Đất đã bị nổ tung với khối lượng Mặt trời (solar mass – đơn vị đo khối lượng thiên thể) lớn tới mức gây ra cơn bão từ trường, khiến la bàn trên toàn thế giới hoạt động sai lệch. Sự kiện Carrington cũng đã đốt cháy các hệ thống điện ở châu Âu và Mỹ, gây hỏa hoạn tại một số tòa nhà và tạo nên cực quang ở đường xích đạo gần Colombia.
Theo Hoàng Lan (Nhịp Sống Kinh Tế)