Như đã biết, iPhone 15 Series đã phải tuân thủ các quy tắc nhất định của Liên minh châu Âu cũng như sức ép của người dùng về USB Type-C. Bên cạnh những yêu cầu về chi phí, công nghệ, cũng đi kèm đó là vấn đề bảo vệ môi trường. Đây cũng là vấn đề được nhiều tập đoàn công nghệ quan tâm trong những năm gần đây khi chuẩn bị đưa ra những sản phẩm mới đến với cộng đồng.
Nhưng theo CEO Tim Cook, sắp tới Apple có thể hướng đến việc trung hòa carbon vào năm 2030. Trên thực tế, đây đã là kế hoạch của nhà Táo từ lâu và chính hãng công nghệ này cũng đang nỗ lực thực hiện các động thái để bảo vệ môi trường. Tim Cook chia sẻ: “Tôi nghĩ việc có một chiếc iPhone hàng năm cho những người muốn nó là một điều tuyệt vời. Và những gì chúng tôi làm là cho phép mọi người giao dịch bằng điện thoại của họ. Vì vậy, chúng tôi bán lại chiếc điện thoại đó nếu nó vẫn hoạt động và nếu nó không hoạt động, chúng tôi sẽ có cách tháo rời nó và lấy nguyên liệu để tạo ra một chiếc iPhone mới”.
Ngoài ra, CEO Tim Cook cũng cho biết Apple sẽ thực hiện "trung hòa carbon" bằng cách quản lý những mảng rừng, đồng cỏ để hút lượng chất thải từ các nhà máy. Các nhà báo châu Âu cũng có cơ hội tham quan nhà máy điện quang của Apple ở Đan Mạch mà theo CEO Tim Cook mô tả là "bí mật công nghệ nhưng khi chạm đến vấn đề môi trường thì sẽ là một câu chuyện khác".
Từ lâu, bảo vệ môi trường là một vấn đề gây tranh cãi từ phía giới công nghệ lẫn các nhà hoạt động vì môi trường cũng như chính quyền các quốc gia. Bởi lẽ, để thực hiện được các công nghệ phù hợp bảo vệ môi trường, các hãng công nghệ đôi khi phải đội chi phí sản xuất lên nhưng giá sản phẩm quá cao thì sẽ khiến khách hàng không hứng thú trong việc mua sắm. Chỉ có một số tập đoàn lớn hiện nay đang cố gắng để thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường, như sử dụng các nguyên vật liệu thân thiện với môi trường trong thiết kế phụ kiện, phần cứng.
Duy Lộc (SHTT)