Trong một bài báo từng được đăng tải, Bloomberg đã gây chấn động dư luận khi cho rằng, gián điệp Trung Quốc có thể đã xâm nhập vào cơ sở hạ tầng công nghệ của Amazon và Apple. Điều này là nhờ những vi mạch siêu nhỏ được cấy vào hệ thống của Supermicro, đơn vị cung cấp bo mạch máy chủ cho những công ty Mỹ.
Những vi mạch này sẽ giúp chính phủ Trung Quốc có thể truy cập vào backdoor trên hệ thống của các công ty công nghệ Mỹ, Bloomberg khẳng định. Khẳng định trước báo giới, người đứng đầu Apple cho biết điều này không hề xảy ra. Thông tin đó không có thật, ông nói.
Apple cho biết họ chưa từng tìm thấy một con chip động hại hoặc bất kỳ thủ đoạn phần cứng nào được thực hiện nhằm tác động lên hệ thống của mình. Cùng với Apple, cả Amazon và Supermicro - hai nhân vật chính trong câu chuyện đã lên tiếng chính thức trước cáo buộc của Bloomberg.
Những công ty này yêu cầu Bloomberg phải đính chính vụ việc, tuy nhiên phản ứng từ phía Bloomberg vẫn chỉ là sự im lặng. Đáp lại điều đó, Apple và Amazon đã bắt đầu tiến hành các biện pháp trả đũa đối với tờ báo này.
Theo Gizmodo, Apple đã quyết định không mời phóng viên của Bloomberg tới tham dự sự kiện ra mắt sản phẩm mới của họ. Trước đó, Bloomberg từng được Táo khuyết tạo điều kiện khi có rất nhiều bài phỏng vấn độc quyền với lãnh đạo của công ty này.
Trong khi đó, Amazon đã cắt toàn bộ ngân sách quảng cáo quý 4 của mình tại Bloomberg, điều sẽ gây ảnh hưởng mạnh đến doanh thu của tờ báo này.
Hiện vẫn chưa rõ tình trạng mặt nặng mày nhẹ giữa những tên tuổi này sẽ kéo dài trong bao lâu. Mặc dù vậy, dù bên nào dành chiến thắng, đó cũng là một đòn trực diện nhằm vào uy tín của đối thủ bên kia chiến tuyến.
Theo Tuấn Nghĩa (VietNamNet)