Vào ngày 4/10, Bloomberg đã đăng một phóng sự điều tra gây chấn động: rất nhiều bo mạch chủ của Supermicro sau khi được xuất xưởng tại Trung Quốc đã bị gắn thêm một con chip nhỏ xíu, kích cỡ không bằng hạt gạo. Theo Bloomberg, con chip này có khả năng tạo cửa sau để chi phối hoặc lấy thông tin từ máy chủ.
Trang tin này cũng cho biết quy mô của vụ tấn công là rất lớn, ảnh hưởng tới trên 30 công ty Mỹ, trong đó có những gã khổng lồ công nghệ là Apple và Amazon. Tuy nhiên, ngay sau đó cả Apple, Amazon lẫn Supermicro đều lên tiếng phủ nhận vụ việc này.
CEO Apple vừa chính thức lên tiếng. Trong một cuộc phỏng vấn với BuzzFeed, ông Tim Cook đã yêu cầu Bloomberg rút lại loạt bài viết nói trên.
“Chuyện đó không hề xảy ra. Không có một chút sự thật nào. Họ cần phải làm điều đúng đắn, đó là rút lại bài viết”, Cook nói trong bài phỏng vấn.
Tim Cook cho biết ông đã góp ý kiến để Apple đưa ra phản hồi chính thức ngay sau khi xuất hiện bài báo trên Bloomberg. Ông cũng khẳng định Apple luôn nói rõ rằng chuyện này không hề xảy ra, và trả lời toàn bộ câu hỏi được đặt ra sau đó.
“Mỗi lần họ (Bloomberg) đặt câu hỏi với chúng tôi, câu chuyện lại thay đổi một chút, và sau mỗi lần chúng tôi đều điều tra nhưng không tìm thấy gì.
Chúng tôi đã rà soát toàn bộ công ty, từ lịch sử tìm kiếm email, dữ liệu lưu lại trên trung tâm, các dữ liệu tài chính, xuất kho. Chúng tôi đã tìm kiếm rất kỹ và sau mỗi lần điều tra đều đi đến kết luận: chuyện đó không hề xảy ra”.
Theo BuzzFedd, đây là một động thái chưa từng có từ phía Cook và Apple. Apple chưa bao giờ công khai muốn một đơn vị xuất bản nào phải rút lại tin bài, mặc dù họ từng là nạn nhân của nhiều bài viết sai lệch, thậm chí là bịa đặt.
Apple đã sớm khẳng định họ chưa bao giờ tìm thấy những con chip theo dõi, dấu vết phần cứng bị can thiệp trên bất kỳ server nào của hãng. Đại diện của Apple là ông George Stathakopoulos, Phó chủ tịch An toàn thông tin, còn viết thư lên Quốc hội Mỹ để khẳng định điều này.
Không chỉ có các công ty liên quan, nhiều quan chức trong ngành tình báo và chuyên gia an ninh cũng đặt câu hỏi về bài viết của Bloomberg. Thậm chí một người được dẫn tên trong bài báo của Bloomberg là ông Joe Fitzpatrick, một chuyên gia bảo mật, sau đó cũng chia sẻ rằng bài viết rất vô lý.
Bloomberg chỉ khẳng định đây là kết quả điều tra hơn 1 năm của họ, với 17 nguồn tin cá nhân gồm nhiều quan chức chính phủ và nguồn tin nội bộ trong các công ty, nhưng đến nay vẫn chưa đưa ra bằng chứng cụ thể.
Mặc dù phản đối thông tin về tấn công phần cứng, Apple cũng thừa nhận họ từng phát hiện phần mềm độc hại trên duy nhất một máy chủ trong năm 2016. Đây là lý do công ty này không sử dụng máy chủ từ SuperMicro. Phần mềm độc hại này hoàn toàn không liên quan đến con chip gián điệp mà bài viết của Bloomberg đề cập.
Theo Nhật Minh (Tri Thức Trực Tuyến)