Các nhà nghiên cứu từ Tây Ban Nha đã tiến hành đo mức độ tiếp xúc với ánh sáng xanh dương nhân tạo ở ngoài trời (như đèn đường) và ánh sáng này khi tiếp xúc ở trong nhà. Đây là kết quả được công bố trên Tạp chí sức khỏe môi trường Environmental Health Perspectives.
Theo đó, kết quả cho thấy những người tiếp xúc nhiều với ánh sáng xanh dương nhân tạo ngoài trời vào ban đêm có nguy cơ mắc ung thư vú gấp 1,5 lần và ung thư tiền liệt tuyến gấp 2 lần so với người ít tiếp xúc hơn. Nam giới tiếp xúc với ánh sáng xanh nhân tạo ở trong nhà có nguy cơ mắc ung thư tuyến tiền liệt gấp 2,8 lần. Điều này cho thấy bản chất của ánh sáng quan trọng hơn cường độ sáng trong việc sinh ung thư.
Còn theo một nghiên cứu khác từ Đại học Exeter (Anh) cho cho ra kết quả ánh sáng xanh từ điện thoại thông minh, máy tính bảng, đèn led có thể làm tăng nguy cơ ung thư vú và ung thư tiền liệt tuyến. Nghiên cứu này chỉ ra những người thường xuyên tiếp xúc ánh sáng xanh từ màn hình thiết bị di động có gấp đôi nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và gấp 1,5 lần nguy cơ ung thư vú.
Lý do được đưa ra là do ánh sáng phát ra từ các thiết bị điện tử phá vỡ đồng hồ sinh học của con người. Cụ thể hơn, các chuyên gia cho rằng ánh sáng xanh dương có độ dài sóng ngắn hơn các ánh sáng khác trong quang phổ, và tác động làm giảm phóng thích melatonin từ não. Melatonin là hormone đóng vai trò trong việc đồng bộ hóa đồng hồ sinh học của các tế bào trong cơ thể. Khi đồng hồ sinh học bị lỗi nhịp có thể sinh ra ung thư.
Hai loại ung thư kể trên đều liên quan đến hormone và việc ánh sáng xanh tác động có thể gián đoạn việc sản xuất các hormone khác, từ đó làm tăng nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt và ung thư vú.
Để ngăn chặn ảnh hưởng xấu đến sức khỏe từ ánh sáng xanh, các chuyên gia đưa ra lời khuyên rằng mọi người nên tránh ánh sáng từ 1 - 2 giờ trước khi đi ngủ và sử dụng công tắc làm mờ. Khi ngủ, nếu có thể nên tắt đèn, ngủ trong phòng tối. Bên cạnh đó, đối với các thiết bị như smartphone, máy tính bảng... nên hạn chế sử dụng vào buổi tối.
Theo KenTTT (Nguoiduatin.vn)