CCS Insight dự đoán các hãng smartphone sẽ bắt đầu sản xuất điện thoại thông minh với màn hình có khả năng tự sửa chữa trong vòng 5 năm nữa. Họ dùng lớp phủ nano trên bề mặt màn hình để nếu bị trầy xước, sẽ tạo ra vật liệu mới phản ứng khi tiếp xúc với không khí.
Theo nhà phân tích Ben Wood của CCS Insight, đây không phải khoa học viễn tưởng, song thách thức lớn nhất là đặt ra kỳ vọng một cách chính xác. “Chúng ta không nói về màn hình bị vỡ nhưng hồi phục một cách kỳ diệu. Đây chỉ là những vết xước nhỏ”.
Vài năm trở lại đây, các công ty đã nói về công nghệ màn hình smartphone có thể tự sửa chữa. LG từng chia sẻ về công nghệ tự phục hồi trong smartphone từ năm 2013. Mẫu G Flex dùng màn hình cong và lớp phủ tự phục hồi ở nắp lưng, nhưng LG không giải thích nguyên lý hoạt động chi tiết.
Năm 2017, Motorola nộp bằng sáng chế màn hình làm từ “shape memory polymer”, có khả năng tự sửa chữa khi bị nứt. Ý tưởng của hãng là dùng nhiệt để hàn các vết nứt. Trong khi đó, Apple cũng xin cấp phép bản quyền cho iPhone gập với vỏ màn hình tự sửa chữa khi bị hỏng.
Dù vậy, chưa có sản phẩm thương mại tự sửa chữa nào thành công. Cũng có nhiều rào cản để ra mắt một điện thoại như vậy. Chẳng hạn, doanh nghiệp cần đầu tư nhiều cho R&D để tìm được cải tiến mới cho màn hình smartphone.
Họ cũng cần tiền để đưa sản phẩm ra thị trường và bán với khối lượng lớn, cũng như bảo đảm cung cấp thông tin đúng cho khách hàng về mức độ hư hỏng mà máy có thể tự phục hồi mà không cần bất kỳ sự can thiệp thủ công nào.
Các nhà sản xuất điện thoại đang ngày càng sáng tạo hơn khi nói đến công nghệ màn hình. Tại Hội nghị di động thế giới MWC 2023, Motorola đã giới thiệu mô hình smartphone cuộn tròn được. Samsung cũng đi một chặng khá xa trên hành trình smartphone trang bị màn hình tiên tiến với Galaxy Z Fold 5 và Z Flip 5, có thể gập mở hàng trăm nghìn lần trong suốt vòng đời.
Apple kiểm soát thị trường điện thoại đã qua sử dụng
Ngoài ra, CCS Insight còn dự đoán Apple sẽ tìm cách kiểm soát trực tiếp thị trường smartphone đã qua sử dụng nhiều hơn. Điều này nhằm ngăn chặn sự phát triển của điện thoại cũ ảnh hưởng đến doanh số iPhone mới.
Apple có thể làm bằng cách khuyến khích người dùng thu cũ, đổi mới trực tiếp với hãng thay vì qua các bên thứ ba, hoặc đề nghị nhà mạng nộp điện thoại cũ để nhận tín dụng, bù giá khi mua iPhone mới.
Bên cạnh đó, “táo khuyết” cũng có thể tập trung vào hệ thống xác minh để đánh giá iPhone tân trang nhằm khuyến khích những thiết bị cũ chất lượng. Ngành công nghệ đang hướng đến các sản phẩm “tuần hoàn”, có thể sửa và bán lại để tránh rác thải điện tử.
CCS Insights ước tính iPhone chiếm khoảng 80% thị trường điện thoại thứ cấp có tổ chức.
Theo Du Lam (VietNamNet)