Thiếu nữ 19 tuổi mắc kẹt trong thân hình bé lên 2

09/04/2015 09:09:11

Tuy hầu hết các sinh hoạt cá nhân phải nhờ tới cha mẹ, Girija Srinivas chứng tỏ khả năng vượt số phận khi tự vẽ tranh để bán kiếm tiền.

Tuy hầu hết các sinh hoạt cá nhân phải nhờ tới cha mẹ, Girija Srinivas chứng tỏ khả năng vượt số phận khi tự vẽ tranh để bán kiếm tiền. 

Girija chỉ cao 76 cm và nặng 12 kg. Ảnh: Barcroft

 
Girija Srinivas, 19 tuổi, sống ở bang Bangalore, Ấn Độ, chào đời đã bị mắc chứng thiếu xương bẩm sinh, khiến tứ chi của cô không thể phát triển toàn diện. Căn bệnh lạ khiến Girija chỉ cao 76 cm và nặng 12 kg, tương đương trọng lượng một đứa bé hai tuổi.

Do phần đầu nặng nhất so với các bộ phận khác, Girija thậm chí còn không thể ngồi. Các bác sĩ từng cảnh báo rằng cô có thể sẽ bị gãy xương nếu cố quay cổ quá nhanh. Cô gái 19 tuổi cũng không tự làm được bất cứ một việc nhà đơn giản nào.

Tuy vậy, với sự ủng hộ, động viên của gia đình và bạn bè, Girija đang dần phát triển sự nghiệp trong vai trò một nghệ sĩ.

"Tôi không thích ai thương hại mình, tôi cũng chứng tỏ cho tất cả mọi người thấy năng lực của bản thân", Girija nói. "Mẹ giúp tôi trong việc ăn uống và các công việc khác. Nhưng khi tôi vẽ tranh, tôi không cần ai hỗ trợ cả. Tôi tự làm mọi việc. Mỗi tháng tôi bán 5 đến 6 bức tranh, và thu về số tiền 8.000 đến 10.000 Rupee (130 đến 160 USD). Tôi phải chăm sóc cho bố mẹ và cần có thu nhập để làm điều đó".

Hiện tại, Girija sống cùng bố mẹ và anh trai ở một thành phố của bang Bangalore, nơi bố cô làm thợ may, còn mẹ thì dành toàn bộ thời gian để chăm sóc cho cô hằng ngày.
 

Girija thậm chí không thể ngồi và mọi việc trong nhà đều một tay mẹ cô đảm nhiệm. Ảnh: Barcroft

 
Bà Nanda Baayi, mẹ cô, cho biết: "Từ đầu chúng tôi đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc chăm sóc cho con bé, thậm chí bây giờ vẫn vậy. Lúc mới sinh, nó không giống những đứa trẻ khác. Và khi bác sĩ nói rằng tình trạng đó sẽ kéo dài mãi mãi, chúng tôi đã rất đau lòng".

Trái với những lo lắng của cha mẹ về tương lai con gái, Girija mơ ước sớm có cuộc sống độc lập. Cô  hy vọng năng khiếu nghệ thuật sẽ luôn giúp cô đạt được điều đó.

"Tôi không muốn nổi tiếng vì căn bệnh hiếm gặp này, mà tôi mong mọi người biết đến mình vì khả năng hội họa. Tôi không muốn sự thương hại, tôi thích được công nhận. Tôi có mục tiêu trong cuộc sống, tôi mơ ước được ra nước ngoài và gặt hái được thành tích lớn", Mirror dẫn lời Girija cho hay.

Tuy bị bệnh và không thể tới trường, cô gái trẻ cho biết cô không hề buồn vì điều này. Ngoài thời gian vẽ tranh, cô thường xem tivi và chơi cùng vật nuôi.

"Người ta nói nhiều về tôi, cười nhạo tôi và bảo tôi bị điên. Họ còn thắc mắc không biết bố chăm sóc cho tôi như thế nào", cô nói. "Nhưng mọi người trong nhà đều đối xử với tôi như bình thường, và tôi cũng có nhiều bạn bè cùng trang lứa. Họ chẳng bao giờ trêu rằng tôi trông như một đứa trẻ".

Do mỗi ngày bố Girija chỉ kiếm được hơn 7 USD nên gia đình khó có khả năng đưa cô đi điều trị. Tuy vậy, bà Nanda cho biết bà luôn ủng hộ ước mơ được sống độc lập của con gái. 

Theo Hướng Dương (Ngoisao.net)