Theo Daily Mail, các nhà nghiên cứu đặt biệt danh cho cây thông này là “Italus”. Việc nghiên cứu quá trình tồn tại của nó bất chấp điều kiện thời tiết có thể giúp các nhà khoa học hiểu thêm và đưa ra những biện pháp cụ thể để ngăn ngừa biến đổi khí hậu.
Theo báo cáo khoa học đăng tải trên tạp chí Ecolology, Italus nảy mầm trên sườn núi ở miền nam Italia từ năm 789. Cây thông này chỉ mới được phát hiện bởi các nhà nghiên cứu tại Đại học Tuscia.
Nhóm nghiên cứu đã mất 4 năm khảo sát một cách kỹ lưỡng khu vườn gia Pollino ở miền nam Italia. Cây thông 1.230 tuổi này là loại Heldreich, vốn rất phổ biến trong khu vực.
Italus đã sống sót qua hàng loạt điều kiện thời tiết khác nhau trong một thiên niên kỷ qua, từ lạnh giá ở thời Trung Cổ cho đến nhiệt độ ấm hơn những năm gần đây.
Hiện tượng ấm lên toàn cầu ngày nay cũng không ngăn cản cây thông cổ thụ như Italus phát triển, theo các nhà nghiên cứu.
Có nhiều lý do để giải thích sự phát triển không ngừng của Italus, nhà nghiên cứu Gianluca Piovesan nói.
Nhiệt độ vẫn mát mẻ hơn nhờ điều kiện vùng núi. Môi trường ô nhiễm đã giảm mạnh nhờ các quy định siết chặt hơn về lượng khí thải ở châu Âu.
Tồn tại ở vùng sườn núi cũng giúp Italus tránh khỏi những đợt cháy rừng, diễn ra rải rác ở khu vực trong suốt hàng trăm năm.
Các nhà nghiên cứu nói việc xác định chính xác tuổi thọ của Italus không hề dễ dàng. Họ sử dụng phương pháp xác định tuổi thọ bằng carbon phóng xạ để biết thời gian cây nảy mầm và đánh giá sự phát triển của cây qua các mẫu rễ để bổ sung những năm còn thiếu
“Bằng cách kết hợp hai phương pháp, chúng tôi tự tin rằng mình đã xác định chính xác tuổi thọ của cây”, Piovesan nói trên National Geographic.
Trước Italus, một cây thông cổ thụ khác ở Hy Lạp được coi là cây sống thọ nhất châu Âu, vào khoảng 1.075 tuổi.
Theo Đăng Nguyễn (Dân Việt)