Phở vịt quay - bữa sáng đổi vị ở Hà Nội

09/08/2023 09:42:29

Không cần phải lên Lạng Sơn, bạn vẫn có thể thưởng thức món ăn đặc sản của thành phố vùng biên này ngay trên đất Hà thành.

Nói đến phở ở Hà Nội, nhiều người có thể đọc vanh vách các quán phở nổi tiếng như phở Bát Đàn, phở Thìn Lò Đúc, phở Sướng Đinh Liệt, phở Lý Quốc Sư... với cách chế biến nguyên liệu từ thịt bò, thịt gà khác nhau và thứ nước dùng mang đặc trưng riêng của từng quán. Bát phở nóng hổi phảng phất hương quế hồi thơm nhẹ đã trở thành món ăn quen thuộc với người dân thủ đô vào mỗi buổi sáng. Tuy nhiên, nếu một ngày bạn muốn "đổi gió" với món phở có hương vị lạ hơn thì phở vịt quay Lạng Sơn có thể sẽ khiến bạn hứng thú.

Phở vịt quay - bữa sáng đổi vị ở Hà Nội
Phở vịt quay với vị lạ miệng hấp dẫn. (Ảnh: phmanhthu_)

Được chủ quán tự hào trưng biển phở vịt quay có mặt đầu tiên tại Hà Nội, quán vịt nằm trên phố Lò Đúc, ngay gần ngã tư Nguyễn Công Trứ rẽ ra mới mở được gần một năm nay thu hút khá đông khách. 

Bát phở của quán cũng bao gồm đầy đủ bánh phở, hành, gia vị, hạt tiêu, một chút bột ngọt nhưng thay vì được chế biến với thịt bò, thịt gà thì món phở xứ Lạng lại ăn cùng thịt vịt quay với lớp da đỏ bóng, mỡ màng. Thịt vịt mềm, đậm đà các gia vị tẩm ướp hòa quyện với những sợi bánh phở mỏng và hành lá tạo nên một chút vị mặn pha lẫn vị ngọt khá lạ miệng nhưng không hề khó ăn.

Phở vịt quay - bữa sáng đổi vị ở Hà Nội - 1
Phở vịt quay phải ăn kèm măng chua cay cay mới tròn vị. Ảnh: An Thy

Nếu phở Hà Nội ăn kèm quẩy cho thêm phần đưa đẩy thì món phở vịt quay phải ăn kèm măng chua ngâm sẵn và rau húng, bạc hà mới không bị ngán. Vị chua chua cay cay của măng kết hợp ăn ý với vịt quay thơm lừng chính là nét độc đáo làm nên sức hấp dẫn của món ăn xứ Lạng.

Đặc biệt, để thưởng thức một bát phở vịt quay nguyên bản và đúng điệu nhất, bạn phải chan thêm bát nước mỡ vịt quay mà người phục vụ mang ra từ lúc đầu. Đây là cách ăn của người dân thành phố vùng biên. Nhưng nếu không ăn được ngọt và sợ nước béo, bạn có thể dùng bát nước mỡ này chấm riêng với thịt vịt bên ngoài. Món phở ở mỗi nơi lại có một hương vị đặc trưng, không nên so sánh phở vịt quay xứ Lạng với phở Hà Nội hay bất kỳ nơi nào khác, tùy vào cảm nhận và khẩu vị mà mỗi người có những đánh giá riêng.

Quán mở cửa từ sáng đến 9h tối với nhiều món ăn được thực khách ưa chuộng như vịt áp chảo, vịt nấu chao, cháo vịt quay... nhưng món phở thì chỉ được bán vào buổi sáng. Một bát phở vịt quay ở đây có giá 30.000 đồng.

Hướng dẫn cách làm phở vịt quay “ăn là nghiện”

Chuẩn bị nguyên liệu

Phở vịt quay - bữa sáng đổi vị ở Hà Nội - 2

Phở vịt quay có ngon chuẩn vị hay không, khâu mua nguyên liệu vô cùng quan trọng. Tiếp theo là những thực phẩm và gia vị cần phải có cho món ăn hôm nay.

Vịt bầu

Bánh phở

Lá mắc mật

Hành tây

Sả cây

Gừng

Các loại rau thơm ăn phở

Gia vị khô

Các bước chế biến

Hoàn tất khâu đi chợ và mua nguyên liệu. Hãy bắt tay vào công đoạn làm sạch, chế biến và hưởng thụ thành phẩm.

Bước 1: Làm sạch vịt, xương ống và rửa rau củ.

Phở vịt quay - bữa sáng đổi vị ở Hà Nội - 3

Đối với vịt: Trụng nước sôi và nhặt sạch lông vịt trước khi rửa sạch, chờ ráo nước và ướp.

Xương ống: chặt khúc vừa ăn, rửa cho tới khi nước trong là ổn.

Rau củ: nhặt bỏ phần rể, rửa nước lạnh, ngâm muối để loại bỏ thuốc trừ sâu và các tạp chất khác.

Bước 2: Sơ chế nguyên vật liệu.

Làm hỗn hợp ướp vịt: lá mắc mật, hành khô và sả đem giã hoặc xay nhuyễn. Sau đó, trộn với dầu hào, hạt nêm, tiêu, ớt, dầu điều (nếu có) để da vịt có màu vàng đậm hơn. Lấy hỗn hợp xoa đều lên vịt đã chuẩn bị khoảng 15′, giữ nguyên ít nhất 1h để gia vị ngấm đều.

Chần xương heo: phần xương ống vừa rửa vào nước sôi tầm 3′. Lấy ra cho vào nước lạnh và rửa sạch lớp bẩn bên ngoài.

Bước 3: Quay vịt

Phở vịt quay - bữa sáng đổi vị ở Hà Nội - 4

Làm nóng bếp khoảng 10′ trước khi cho vịt vào. Sau đó nướng dưới nhiệt độ 200 độ C.

20′ sau, lấy ra đổi bên và điều chỉnh nhiệt độ nếu quá cao hoặc quá thấp so với độ dày của thịt.

Nếu vịt đã vàng bề mặt nhưng thịt bên trong vẫn chưa chín, nên giảm nhiệt độ và set thời gian ngắn lại để tiện theo dõi.

Đến khi các mặt của vịt vàng đều, thịt bên trong trắng bùi và da giòn rụm là oke.

Bước 4: Nấu nước dùng.

Công đoạn này có thể thực hiện song song với bước 3, trong lúc chờ đợi vịt chín.

Xương heo sẽ hầm với 3L nước với 1 thìa muối. Cho gừng và hành tây đã nướng vào chung để loại bỏ mùi hôi, giúp nước lèo ngọt thanh hơn.
Nước sôi tầm 15”, bắt đầu cho hoa hồi và quế khô buộc kỹ trong túi vải mỏng vào hầm chung.

Đợi khoảng 1h30, xương lúc này đã mềm và tiết ra hết chất ngọt thì vớt củ gừng, hành nướng và túi lọc hoa hồi ra. Nêm nếm 1 lần nữa và tắt bếp.

Lưu ý: Để nước dùng trong như ngoài hàng, hãy vặn lửa nhỏ nhất có thể và hớt bọt liên tục trong 1h đầu tiên.

Phở vịt quay - bữa sáng đổi vị ở Hà Nội - 5

Bước 5: Trình bày

Cho bánh phở vào bát (chần sơ nước nóng trước khi ăn cọng phở sẽ mềm và thơm hơn), thái thịt vịt lát mỏng và đặt lên trên bề mặt. Thêm ít hành và tưới đều nước dùng trong vắt. Hương thanh nhẹ từ nước lèo kết hợp vị nướng nồng nàn từ vịt quay, tưởng không ngon mà ngon không tưởng.

Phở vịt quay - bữa sáng đổi vị ở Hà Nội - 6

NT (SHTT)

Nổi bật