Ngày Tết 'ế' nhiều thịt, có một cách biến đồ ăn cũ thành món 'Thăng Long đệ nhất bún': Ai thử cũng mê!

18/02/2024 09:51:58

Món ăn tưởng cầu kỳ nhưng hóa ra là kết quả của ý tưởng dọn mâm cỗ ngày Tết của người Việt xưa.

Trong ngày Tết truyền thống của người Việt, thịt gà và giò là hai món không thể thiếu trong mâm cỗ gia đình. Thịt gà thường được chế biến dưới hình thức gà luộc và được coi là biểu tượng của may mắn và sự sum vầy. Giò nạc, với hương vị đậm đà và kết cấu mềm mại, thường xuất hiện bên cạnh các món ăn chính để tăng thêm phần phong phú cho bữa ăn. Tuy nhiên, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng và số lượng lớn các món ăn, thịt gà và giò thường xuyên bị thừa lại sau Tết.

Với nguyên liệu còn "tồn" từ Tết bạn hoàn toàn có thể nấu được bán bún thơm ngon.

Nhiều người cho rằng bún thang có thể “Thăng Long đệ nhất bún”, là tinh hoa ẩm thực của giới quý tộc đất Hà Thành. Tuy nhiên, ít ai biết rằng đây là món ăn xuất phát từ cỗ thừa. Các bà nội trợ xưa chọn cách thái chỉ các nguyên liệu để tạo sự đồng đều, ngon mắt. Hơn cả, việc thái nhỏ đồ ăn còn khiến người ta đỡ có cảm giác ngao ngán, như khi nhìn những món ăn trên mâm cao, cỗ đầy, trông mọi thứ đều nhỏ xinh vừa vặn và thanh cảnh.

 

Ngày Tết 'ế' nhiều thịt, có một cách biến đồ ăn cũ thành món 'Thăng Long đệ nhất bún': Ai thử cũng mê!

Bát bún thang thường không làm đầy mà sẽ nhẹ nhàng, thanh cảnh với lượng vừa phải. Khi ăn, hương vị của món bún này lại càng làm người ta bất ngờ, sự quen thuộc nước dùng gà, thịt gà, giò trở nên thật lạ khi có cái giòn của củ cải khô, chút bùi của trứng, vị cay dịu của rau răm và thơm thoang thoảng của tôm.

Dưới đây là công thức làm món bún thang từ đồ ăn thừa:

Nguyên liệu

Thịt gà (có thể sử dụng gà luộc còn thừa)

1 miếng giò nạc

2 quả trứng gà

Vài con tôm sú

1 nắm củ cải sấy khô

10 tai nấm hương

1 củ cải

Gia vị gồm: 1 củ hành tây, 1 miếng gừng, muối, tiêu, nước mắm, hành lá, rau răm (nếu thích), và các loại rau thơm ăn kèm.

Ngày Tết 'ế' nhiều thịt, có một cách biến đồ ăn cũ thành món 'Thăng Long đệ nhất bún': Ai thử cũng mê! - 1

Cách làm

Nếu gà mới, luộc và lọc thịt. Nếu gà còn từ Tết, có thể bỏ qua bước luộc, chỉ cần xé nhỏ.Cho xương gà vào nồi nước luộc gà, thêm 1 củ hành tây nướng, 1 mẩu gừng nướng đập dập, 1 củ cải cắt miếng, và 1 củ hành tím nướng cùng ít rễ hành. Ninh khoảng 30-1 giờ với lửa nhỏ.

Khi sắp xong, thả nấm hương vào.Nêm nếm gia vị cho vừa khẩu vị.

Thái giò nạc thành sợi nhỏ dài.

Trứng gà tráng mỏng, sau đó thái thành sợi nhỏ.Tôm hấp chín, bóc vỏ, giã nhỏ và rang đều trên chảo cho đến khi khô và thơm.

Củ cải sấy khô, ngâm nước cho nở, bóp khô và cho vào nồi nước dùng gà trụng sơ qua.

Xếp bún ra bát, đặt lên trên thịt gà, giò nạc, tôm, trứng và thêm hành lá. Sau đó, chan nước dùng vào bát bún và thêm tí tiêu, ớt cho đậm đà. Nếu thích, có thể cho thêm thìa mắm tôm để tăng hương vị.

Khi nấu món bún thang, bạn cần lưu ý những điều sau để món ăn được ngon chuẩn vị và hấp dẫn hơn:

- Chất lượng nguyên liệu: Sử dụng thịt gà và giò thừa từ Tết cần đảm bảo chúng vẫn tươi ngon và không bị ôi thiu. Nếu gà và giò đã qua nhiều ngày, hãy kiểm tra kỹ trước khi sử dụng.

- Nước dùng: Đây là yếu tố quan trọng nhất quyết định hương vị của món bún thang. Nước dùng cần được ninh kỹ từ xương gà, củ cải và các loại rau củ để tạo nên vị ngọt tự nhiên.

- Thái đồ ăn kèm: Thịt gà, giò nạc, trứng và các loại rau nên thái thành sợi mỏng, đều nhau để dễ ăn và đẹp mắt.

- Gia vị: Nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng, không nên quá mặn hay quá nhạt. Mắm tôm là gia vị có thể tùy chọn nếu gia đình bạn thích ăn.

- Thời gian ninh nước dùng: Nước dùng cần được ninh trong thời gian đủ lâu để có độ ngọt tự nhiên và hương thơm đậm đà.

Trên đây là cách bạn có thể làm món bún thang từ những nguyên liệu còn thừa từ dịp Tết. Chúc bạn thực hiện thành công!

 

Theo Minh Anh (Nguoiduatin.vn)

Nổi bật