Thoạt nhìn, Hydra không khác gì những hòn đảo lân cận ở vùng Biển Aegean, nằm giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Nơi đây có những con đường quét vôi trắng, không khí tràn ngập hương hoa nhài và khung cảnh ngoạn mục của làn nước trong xanh lung linh.
Điều làm nên sự khác biệt của Hydra chính là phương thức di chuyển. Người dân địa phương đã loại bỏ hoàn toàn sự ồn ào của tiếng còi xe ô tô mà thay vào đó là tiếng vó ngựa nhịp nhàng.
Ở đây, người ta "ghét" ô tô. Lệnh cấm các phương tiện cơ giới (trừ xe cứu hỏa, xe chở rác và xe cứu thương) được quy định trong luật pháp địa phương. Khoảng 2.500 người dân trên hòn đảo nhỏ của Hy Lạp di chuyển bằng la, lừa và ngựa.
Bước xuống phà, đến cảng Hydra, trung tâm của hòn đảo, du khách sẽ gặp những chú ngựa duyên dáng thong dong đi qua những con đường lát đá cuội và mang đến hương vị nhịp sống nhàn nhã của hòn đảo.
Khi bạn đi lang thang qua những con đường kỳ lạ của Hydra, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp cảnh tượng người dân địa phương di chuyển trên lưng "những người bạn 4 chân", thảnh thơi lạ thường.
Từ Kaminia, một ngôi làng yên tĩnh trên bờ biển phía Nam được trang trí bằng những ngôi nhà đá truyền thống, đến Mandraki trên bờ biển phía Tây của hòn đảo, nổi tiếng với vùng nước hoang sơ và bầu không khí thư thái.
Harriet Jarman, cư dân sống trên đảo đồng thời là chủ sở hữu công ty cưỡi ngựa leo núi Harriet's Hydra Horses, cho biết: “Hydra là hòn đảo thực sự đưa bạn quay ngược thời gian. Tất cả việc di chuyển trên hòn đảo này đều được thực hiện bằng ngựa hoặc la. Vì không có ô tô nên cuộc sống của mọi người yên bình hơn”.
Quả thực, cảnh quan và không khí trong lành, nhịp sống không xô bồ ở hòn đảo khiến người ta có cảm giác thời gian như ngừng trôi.
Mối duyên kỳ lạ
Trong số hơn 2.500 cư dân sinh sống trên hòn đảo Hydra, Harriet Jarman là một trong những người đặc biệt. Cô không sinh ra ở đây nhưng lại quyết định gắn bó với nơi này thật lâu, thật dài...
24 năm trước, Harriet được mẹ đưa đến Hydra trong một kỳ nghỉ. Nó đã dẫn cô đến một quyết định thay đổi hoàn toàn cuộc đời. Harriet đã chuyển hẳn đến đảo Hydra sinh sống.
Hơn 10 năm trước, khi Hy Lạp đối mặt với khủng hoảng kinh tế, Jarman đã phải đấu tranh tư tưởng giữa việc bán Chloe, con ngựa cô yêu quý nhất.
Quyết tâm giữ bạn đồng hành yêu quý của mình, cô thành lập một công ty chuyên dịch vụ cho thuê cưỡi ngựa cưỡi ngựa xuyên rừng. Công việc kinh doanh không chỉ hỗ trợ Chloe mà còn cho phép cô chia sẻ tình yêu hòn đảo của mình với những vị khách du lịch khác.
Cô nhớ lại: “Tôi chán ngấy việc mọi người bảo tôi bán Chloe vì nuôi một con ngựa rất tốn kém. “Tôi nghĩ, được thôi, tôi sẽ cho mọi người thấy lý do tại sao tôi muốn ở lại đảo”.
Công ty của Harriet hiện có một đội gồm 12 con ngựa, với các chuyến tham quan có hướng dẫn viên qua các con đường mòn trên đảo do những người cưỡi ngựa giàu kinh nghiệm dẫn đầu. Những cuộc hành trình này đi qua tu viện cổ kính và những bãi biển đẹp như tranh vẽ của Hydra.
Một di sản được khắc trên dấu móng ngựa
Dùng ngựa kéo truyền thống làm phương tiện di chuyển, được gọi là “cáiques”, là cách người dân đảo Hydra bày tỏ sự tôn kính đối với di sản phong phú và cam kết hướng tới cuộc sống bền vững.
Trong thế kỷ 18 và 19, Hydra phát triển mạnh mẽ như một trung tâm hàng hải nhộn nhịp. Bước sang thế kỷ 20, phương tiện giao thông cơ giới đã bắt đầu xuất hiện ở nhiều nơi của Hy Lạp, nhưng những con đường hẹp và dốc của hòn đảo, cùng với địa hình nhiều đá, khiến ô tô không thể di chuyển được. Và vì vậy người dân vẫn bám vào phương tiện di chuyển bằng ngựa.
Theo thời gian, sự phụ thuộc vào loài móng guốc này đã ăn sâu vào văn hóa và lối sống của người dân Hydra.
Lừa và la đã trở thành một phần không thể thiếu trong bản sắc của hòn đảo và được sử dụng để vận chuyển hàng hóa, vật liệu xây dựng và thậm chí cả con người. Điều ấn tượng là truyền thống ấy vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Harriet Jarman nói: “Những người bạn 4 chân ấy là ô tô và cả bàn tay của chúng tôi, chở mọi thứ từ vật liệu xây dựng, đồ nội thất đến hành lý và mua sắm”.
Một thiên đường nghệ thuật
Sự vắng bóng của những chiếc ô tô đã góp phần tạo nên không khí yên bình không thể phủ nhận của hòn đảo, thu hút các nhà sáng tạo từ khắp nơi, trong đó có nữ diễn viên nổi tiếng người Ý Sophia Loren, người đã đem lòng yêu Hydra khi đến quay phim “Boy on a Dolphin” năm 1957.
“Hydra mang lại màu sắc tuyệt vời, ánh sáng đẹp và bầu không khí đã truyền cảm hứng cho nhiều người”, nhà thiết kế trang sức và người gốc Hydra, Elena Votsi, cho biết.
Được biết đến với tác phẩm kết hợp giữa nghề thủ công truyền thống với thẩm mỹ hiện đại, Votsi lấy cảm hứng từ di sản Hy Lạp cũng như thiên nhiên và hình học.
Mặc dù sinh ra ở Athens, Votsi cho biết cô đã dành những mùa hè và kỳ nghỉ ở Hydra để thăm cha mình. Cô cho biết việc không có ô tô khiến nơi đây trở thành một nơi làm việc kỳ diệu và đã truyền cảm hứng cho các thiết kế của cô kể từ khi bắt đầu sự nghiệp.
“Mặt trời, những tảng đá và hình dáng của những con sóng đã truyền cảm hứng cho tôi. Vẻ đẹp tự nhiên và sự độc đáo của hòn đảo đã có ảnh hưởng đáng kể đến quá trình sáng tạo của tôi”, Votsi nói.
Năm 2003, cô được mời tham gia cuộc thi thiết kế huy chương Thế vận hội Olympic mùa hè cho Ủy ban Olympic quốc tế.
Khi nhận được lời mời, Votsi đã đến Hydra. Hòn đảo, với sự quyến rũ khó tả của nó, đã đóng vai nàng thơ, khơi dậy một hành trình sáng tạo dẫn đến việc Votsi giành chiến thắng trong cuộc thi.
Nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã đến nghỉ dưỡng hoặc mua nhà sống tại Hydra. Sự quyến rũ của hòn đảo đã thu hút hàng loạt họa sĩ như Brice Marden, Alexis Veroucas, Panagiotis Tetsis, Nikos Hadjikyriakos-Ghikas và John Craxton, cũng như nhà văn Henry Miller, đến và sáng tác. Họ tìm thấy nguồn cảm hứng giữa khung cảnh yên tĩnh của hòn đảo.
Ca sĩ kiêm nhạc sĩ người Canada Leonard Cohen đã phát hiện ra Hydra vào những năm 1960 và biến nó thành nhà của mình trong vài năm. Khoảng thời gian ở Hydra của ông đã được khắc ghi trong bài hát “Bird on the Wire”.
“Hydra là một thiên đường. Đó là một nơi kỳ diệu để làm việc và thật may mắn khi tôi có thể đến đây với tư cách là một nghệ sĩ, như rất nhiều người khác đã làm trước và sẽ tiếp tục làm như vậy”, Votsi nói.
Nguồn: CNN
Theo Minh Nhật (Phụ Nữ Việt Nam)