Nếu một lần đến với phố núi Kon Tum, du khách đừng quên thưởng thức Gỏi lá - món ăn khiến ai ăn một lần đều nhớ mãi.
Đúng như tên gọi, Gỏi lá hút thực khách ngay từ ánh nhìn đầu tiên bởi màu xanh tươi mát của một mâm với khoảng 60 loại lá với đủ sắc xanh, đỏ, tím, vàng.
Gỏi lá sẽ là một thiên đường ẩm thực đối với những ai đam mê rau sống, gỏi cuốn khi đặc trưng của món ăn này là một mâm đầy đủ các loại rau và lá rừng ước tính khoảng từ 30-60 loại khác nhau.
Thực khách sẽ bắt gặp trên mâm Gỏi lá những loại rau, lá thường thấy trong bữa ăn hằng ngày như lá cải, tía tô, bạc hà, húng quế, lá mơ, rau má, rau càng cua, lá sung...hay các loại tuy gần gũi nhưng lại ít xuất hiện trong bữa ăn như lá ổi, lá xoài đinh lăng, chùm ruột... Bên cạnh đó, có những loại lá rừng độc lạ chỉ có ở vùng đất Tây Nguyên như lá trâm, ngành ngạnh đỏ, mật gấu, lá từ đại bi, lá bứa, lạc tiên, chòi mòi, me rừng, xầm xương.
Gỏi lá có thể ăn được quanh năm, tuy nhiên số lượng lá cũng chưa hẳn 60 lá mà có thể thay đổi, phụ thuộc vào thời tiết và khí hậu. Vào mùa mưa thì mâm Gỏi lá đầy đủ các nguyên liệu nhưng mùa khô thì chỉ còn 30-40 lá.
Mâm Gỏi lá được bày biện giản đơn nhưng đẹp và hấp dẫn thực khách bởi màu xanh tươi mát của hàng chục loại lá rừng cùng với gam màu đỏ tươi, trắng nõn và vàng ruộm của những món ăn kèm.
Những món dùng để gói ăn kèm cùng gỏi lá cũng khá đơn giản, gồm có thịt lợn ba chỉ luộc, tôm tươi luộc, bì lợn trộn thính.
Linh hồn của món Gỏi lá chính thứ nước sốt sánh vàng béo ngậy dậy thơm mùi bỗng rượu được chế biến theo phương thức riêng của người Kon Tum bản địa.
Cách làm nước chấm cũng kỳ công như khi đi thu hái lá rừng, đó là việc để gạo nếp lên men, có mùi thơm dậy thì đem ủ với tôm khô, thịt ba chỉ, sau đó xay nhuyễn. Thái hành khô phi đến khi vàng giòn thì cho hỗn hợp trên vào, thêm mẻ, sa tế, gia vị và đảo đều tay, đun lửa liu riu rồi nêm nếm cho vừa ăn. Khi đã bốc lên mùi ngầy ngậy của rượu và hành phi, có chút hương nồng là nước chấm đã thành phẩm. Một tô nước chấm hoàn chỉnh phải ở dạng sền sệt, không đặc quá để tiện múc úp lên gỏi lá.
Cách ăn gỏi lá cũng khá thú vị và khác nhiều so với những loại gỏi thường thấy, ấy là người dùng phải biết lựa chọn những loại lá có hương vị cay, thơm, chua, chát... để phối với nhau cho hợp với khẩu vị của mình, sau đó cho thêm những món ăn kèm như tôm, thịt, bì trộn thính và nước sốt rồi cuộn lại thành miếng vừa ăn đẹp như một đóa hoa rừng rồi mới thưởng thức.
Một miếng gỏi lá đúng điệu khi thưởng thức phải có đủ cái hương vị thanh mát, ngạt ngào mùi cây lá, ngọt béo của tôm, thịt tươi, và đủ cả vị chua, thơm, nồng, chát... hòa lẫn để tạo nên cái dư vị khó quên về một món ăn đậm chất núi rừng.
Bắt đầu ăn, lấy một lá to xếp thành hình chiếc phễu để ngoài cùng. Bên trong là những loại lá nhỏ hơn. Thêm tôm, bì, thịt, mỗi thứ một ít. Trong cùng bỏ chút tiêu, muối, ớt chỉ thiên, rồi múc một muỗng nhỏ nước chấm sền sệt trước khi cuộn các thứ lại thành một gói nhỏ và đưa vào miệng…
Hỗn hợp các loại rau rừng cùng với nước chấm sẽ tạo cho món gỏi lá vừa có vị ngọt của thịt, tôm, lại có thêm vị cay, thơm nồng của tiêu hạt, ớt chỉ thiên; hương men của mẻ; cay, chát thơm của lá…
Gỏi lá ở phố núi Kon Tum là món ăn chơi nhưng không chỉ làm hài lòng khẩu vị của những người khó tính nhất bởi cái hương vị thanh mát đậm chất núi rừng của nó mà còn được cho là một vị thuốc tự nhiên lành tính giúp thanh lọc, cân bằng cái sự dư thừa chất béo vốn được dung nạp một cách thái quá từ cuộc sống đủ đầy ngày nay.
Người đến Kom Tum thưởng thức món gỏi lá vẫn truyền tai nhau ăn món gỏi lá như tận hưởng khá trọn vẹn một bữa tiệc mang hương vị núi rừng Tây Nguyên.
Người ta còn nói rằng chưa được thưởng thức Gỏi lá tức là bạn chưa được coi là đã đến Kon Tum, đã đến Tây Nguyên.
Trên bình diện thế giới, Gỏi lá Kon Tum từng hai lần được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công nhận là top 10 đặc sản Việt Nam đạt giá trị ẩm thực châu Á./.
Theo VietNam+