Những dân tộc thiểu số ở Việt Nam đều có những phong tục, tập quán khác nhau tùy theo từng vùng miền. Và ẩm thực của mỗi dân tộc này cũng có những nét độc đáo riêng biệt. Trong đó, người Cơ Tu ở Quảng Nam nổi tiếng với món cháo đặc biệt làm từ những con mối cánh.
Mối được đồng bào Cơ Tu dùng để chế biến làm món ăn là mối cánh và còn được ví von là tôm bay vì hương vị thơm ngon của nó. Mối cánh thường xuất hiện nhiều vào khoảng tháng 5, thời điểm mưa dông đầu mùa. Khi đó, người Cơ Tu sẽ bắt mối để chế biến nhiều món ăn, trong đó có món cháo mối (cláp p’chơ). Đây là món ăn thường được những người con rể ở Cơ Tu nấu lên cho bố mẹ vợ để bày tỏ tấm lòng hiếu thảo.
Tất nhiên, để săn được nguyên liệu lạ lùng này thì người Cơ Tu phải có phương pháp đặc biệt, và họ đặt tên là "gọi mối". Khi mối xuất hiện, bà con tranh thủ bắt mối đất để rang ăn chơi. Theo đó, hầu hết các gia đình người Cơ Tu đều biết cách "gọi mối" hiệu quả nhất.
Mối cánh thường bị thu hút bởi những nguồn ánh sáng vào ban đêm, vì thế người dân sẽ dùng đèn để bắt. Thời xưa khi chưa có đèn điện thì đèn dầu, đèn cầy cũng là những công cụ rất đắc lực.
Công đoạn bắt mối chỉ diễn ra khoảng nửa giờ là kết thúc, lúc này mối đã ít dần, chúng bị rụng cánh và rơi dần ở chung quanh khu vực. Sau khi kết thúc cuộc bắt mối, người ta dùng nước sạch rửa mối nhẹ nhàng nhiều lần cho sạch và vớt ra một cái rá nhựa để cho ráo nước.
Cách để nấu cháo mối như sau. Trước hết, người ta sẽ đem gạo đi nấu thành cháo cho chín nhừ. Mối đem rang thơm trên bếp. Sau khi cháo đã gần chín thì đổ mối đã được rang vào, chờ cho sôi thì nêm nếm gia vị sao cho vừa miệng là hoàn thành món cháo mối. Cháo mối có vị bùi của gạo, của mối, là món ăn hấp dẫn với người Cơ Tu.
TN (SHTT)