Đặc sản 'ruột lòng đào' dẻo giòn như thạch, cả năm chỉ có một mùa ở Thái Nguyên

09/09/2023 08:45:48

Thu sang, hồng da tre nổi tiếng ở Thái Nguyên lại vào vụ thu hoạch, được vận chuyển khắp các tỉnh thành, trở thành thứ đặc sản được người Thủ đô yêu thích bởi phần thịt dẻo, giòn sần sật như thạch, ăn thanh mát và có vị ngọt thơm.

Vùng đất Thái Nguyên không chỉ hấp dẫn du khách với nhiều đặc sản nổi tiếng như chè Tân Cương, nem chua Đại Từ, bánh chưng Bờ Đậu, cơm lam Định Hóa,… mà còn có một thức quà mang đậm phong vị mùa thu, khiến khách sành ăn cũng phải kiên nhẫn suốt một năm, chi nhiều tiền để mua và thưởng thức. Đó chính là quả hồng da tre.

Hồng da tre được trồng ở nhiều nơi trong tỉnh Thái Nguyên nhưng ngon và nổi tiếng nhất vẫn là ở Đồng Hỷ (Ảnh: Quyen Nguyen)

Khác với hồng giòn Đà Lạt hay hồng Mộc Châu cho thu hoạch quả kéo dài từ tháng 8-11 hàng năm, vụ hồng da tre Thái Nguyên rất ngắn, chỉ vỏn vẹn trong vòng một tháng, từ khoảng cuối tháng 8 đến hết tháng 9.

Chưa kể, diện tích trồng hồng da tre chính gốc ở Thái Nguyên cũng không còn nhiều, chỉ xuất hiện ở một số khu vực miền núi trên địa bàn. Bởi vậy, loại quả này còn được xem như đặc sản “hiếm có khó tìm”, không phải ai cũng có cơ hội thưởng thức.

Hồng da tre có vỏ màu xanh, nhẵn như thân cây tre. Khi chín, quả hơi ửng vàng rồi chuyển dần sang màu trong như thạch, ăn lạ miệng vì có sự hòa quyện giữa độ dẻo và giòn sần sật vui tai (Ảnh: Bếp của Linh)
Để đảm bảo hồng da tre ngon, vị thơm ngọt, những người nông dân có kinh nghiệm chọn thu hoạch những trái hồng già, không bị non (Ảnh: Ngat Tran)

Thời gian thu hoạch ngắn, mỗi năm chỉ có một mùa, diện tích trồng lại không còn nhiều nên hồng da tre ngày càng trở nên quý hiếm, thực khách muốn mua có khi phải đặt hàng trước cả tháng trời.

Sở dĩ hồng da tre được săn đón nhiều là bởi, loại quả này có hương vị và cách thưởng thức khác biệt hơn so với các loại hồng khác. Nếu hồng ngâm có thể ăn từ lúc vỏ còn xanh thì hồng da tre phải đợi đến khi vỏ quả chuyển màu trong veo, thịt chín mềm mới được thưởng thức.

Hay nếu hồng trứng, hồng chén chín đỏ, chỉ cần lột vỏ là ăn được thì hồng da tre lại được đem bổ đôi, lấy thìa xúc từng miếng. Vỏ loại hồng này tuy mỏng nhưng cứng, giống như chiếc bát thu nhỏ để thực khách vừa xúc vừa ăn, từ từ cảm nhận phần thịt dẻo, ngọt, xen lẫn vị giòn sần sật và thanh mát như thạch.

Khi chín, quả hồng da tre có phần thịt mọng, màu như trứng lòng đào, trong veo, ăn mềm nhưng không bị nhão. Loại hồng này nếu để lạnh trước khi ăn độ một giờ thì hương vị lại càng ngon hơn (Ảnh: Nhà hàng Bể cá)

Bởi độ ngon và “hiếm có khó tìm” nên vào vụ thu hoạch, hồng da tre được bán với giá thành khá cao, dao động từ 90.000 – 120.000 đồng/kg, mỗi cân khoảng 5-7 quả. Cá biệt, những quả hồng da tre được thu hái từ giống cây cổ thụ, kích thước to (chừng 3-4 quả một cân), vị ngọt đặc trưng sẽ có giá đắt hơn, khoảng 170.000 đồng/kg.

Dù giá cao hơn so với nhiều loại quả truyền thống khác của mùa thu nhưng hồng da tre vẫn là đặc sản, thức quà quê được giới sành ăn “săn đón”. Không chỉ được ưa thích bởi cách ăn, hương vị mà loại quả này còn phù hợp với việc vận chuyển đi xa hay đóng gói làm quà biếu.

Với người Hà Nội, hồng da tre cũng là thứ quả thường được lựa chọn để bày biện trong mâm cỗ Trung thu (Ảnh: Thảo Trinh)

Vỏ hồng da tre cứng, ngoại hình quả đẹp mắt, dễ vận chuyển đi xa nên thường được nhiều người tìm mua làm quà biếu tặng người thân, bạn bè, đối tác kinh doanh (Ảnh:  Hue Nguyen Thi, Nhà hàng Bể cá)

Để bảo quản hồng da tre được lâu, thông thường khi hồng đã chín, người ta sẽ bọc từng quả hồng bằng giấy báo, cho vào ngăn mát tủ lạnh, ăn tới đâu sẽ lấy hồng ra tới đó. Khi ấy, quả hồng trong dần, nhìn rất thích mắt, vị lại thanh mát, ngọt thơm, hấp dẫn từ trẻ nhỏ đến người lớn.

Theo kinh nghiệm của người Thái Nguyên, mẹo nhận biết hồng da tre đã chín, có thể ăn được bằng cách nhìn vào phần vỏ. Hồng chưa chín có màu xanh, vỏ chưa trong nên khi mua về, thực khách phải đặt ngược quả, phần núm hướng xuống dưới.

Bởi vì phần đáy quả hồng luôn chín trước nên dễ bị dập hơn phần cuống, đồng thời làm như vậy cũng giúp hồng chín đều hơn. Chỉ vài ngày, hồng chuyển dần sang màu xanh đục rồi vàng úa, vỏ trong veo tức là quả đã chín, có thể thưởng thức.

Theo Phan Đậu (VietNamNet)