Phở là một món ăn truyền thống và nổi tiếng của người dân Việt Nam, thế nhưng Phở khô Gia Lai lại là một món ít người biết đến. Dù có cùng tên gọi nhưng rõ ràng từ hình thức phục vụ lẫn sợi bánh của món ăn này đều không giống hầu hết các tô phở thông thường.
Người dân Gia Lai hay gọi vui đây là món "phở 2 tô" vì khi ăn sẽ có một tô bánh phở và một tô nước dùng, tương tự với cách ăn hủ tiếu khô của người miền Nam.
Theo những người sành ăn, muốn thưởng thức được chuẩn hương vị và ngon đúng chất thì phải thưởng thức món ăn này ngay tại phố núi, thủ phủ - nơi khai sinh ra món phở khô Gia Lai. Sợi phở ở trong món phở khô Gia Lai nhỏ, mỏng hơn và khá dai, được làm hoàn toàn bằng hạt gạo, loại ngon và không pha trộn.
Để chế biến thành sợi phở, gạo phải đem đi ngâm một thời gian, sau đó xay nhuyễn và kéo sợi. Điều đặc biệt của sợi phở là sau khi chần qua nước sôi, vẫn có sự tách rời, chứ không dính lại, nhũn ra giống như là một số sợi hủ tiếu khác. Ngoài những nguyên liệu chính, những "topping" đi kèm như hành phi, tóp mỡ, giá,.. cũng làm nên sự đặc trưng của món ăn này.
Bí quyết làm nổi bật của món phở khô này thì ngoài nước dùng, sợi phở ra, đó chính là một loại tương vô cùng độc đáo và đặc biệt. Loại tương này được làm từ hạt đậu tương của vùng cao nguyên, được cho là ngon vô đối và được chế biến hết sức kỳ công.
Khi thưởng thức, thực khách phải trộn đều các nguyên liệu có trong tô, thêm chút rau thơm, giá đỗ thanh mát và rưới thêm chút tương đen hảo hạng. Bắt đầu từ việc gắp một đũa phở để cảm nhận cái béo bùi, thơm ngậy hòa lẫn với sợi phở dai mịn, rồi lại tiếp tục húp vài thìa nước dùng đậm đà, thực khách sẽ thật sự cảm nhận được hết vị ngon của “phở 2 tô”.
TN (SHTT)