Làng đá Khuổi Ky hấp dẫn du khách. Video: Linh Trang - Xuân Quý |
Làng đá Khuổi Ky thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, cách trung tâm thành phố Cao Bằng hơn 80km, cách Thác Bản Giốc khoảng 2km. Những năm gần đây, ngôi làng cổ của người Tày thu hút nhiều du khách nhờ nét độc đáo về kiến trúc và văn hóa truyền thống.
Người dân địa phương đã tận dụng những ngôi nhà sàn hàng trăm năm tuổi, được xây hoàn toàn bằng đá, lợp ngói âm dương truyền thống để làm homestay đón khách lưu trú.
Chị Lý Thị Điệp là một người phụ nữ dân tộc Tày, tiên phong làm du lịch tại Khuổi Ky. Năm 2016, chị bắt đầu tận dụng ngôi nhà của gia đình để đón những đoàn khách đầu tiên.
Tới nay, hai vợ chồng đã xây dựng khu homestay thứ hai với 5 căn bungalow, 8 phòng riêng, một nhà sàn có thể đón 25-30 khách ở tập thể. Khu homestay có địa thế độc đáo, lưng tựa núi đá vôi sừng sững, mặt tiền hướng về dòng suối Ky hiền hòa.
Tận dụng địa thế độc đáo, chị Điệp nảy ra ý tưởng làm một căn phòng nghỉ sát vách núi đá, được đặt tên "phòng hang động". Một mặt căn phòng là vách núi đá vôi nhấp nhô, các mặt còn lại xây dựng bằng đá, có cửa sổ nhìn ra sân chung và vườn.
Căn phòng có đầy đủ tiện nghi như nhà vệ sinh khép kín, điều hòa... với chi phí 1 triệu đồng/đêm. "Căn phòng này được khách quốc tế rất thích vì sự độc đáo, mới lạ, không giống ai. Họ tìm tới đây để trải nghiệm ngủ trong hang động sẽ ra sao", chị Điệp cho hay.
Homestay này nhận được đánh giá 4,5/5 sao trên Google, liên kết tốt với các nền tảng đặt phòng phổ biến trên khắp thế giới. Homestay của gia đình chị Điệp thường xuyên kín phòng vào dịp cuối tuần.
Chị Nguyễn Kim Phương, chủ một homestay khác tại làng đá Khuổi Ky chia sẻ, để thu hút ngày càng nhiều du khách, bà con dần chú trọng việc tổ chức, làm phong phú, đa dạng thêm các dịch vụ như đưa khách trải nghiệm đi cấy, đi gặt, hái rau, bắt cá, tôm, nấu ăn, ngâm chân thảo dược, nhảy sạp, đốt lửa trại, biểu diễn, giao lưu văn nghệ dân tộc.
Các hoạt động thể thao cũng được đưa vào phục vụ khách như hiking chinh phục những ngọn núi cao, đi phượt xe máy khám phá Cao Bằng, chèo thuyền ngắm cảnh sông Quây Sơn.
Làng Khuổi Ky được đặt tên theo con suối trong mát ngay lối vào bản. Tường nhà, lối đi đều được trải bằng đá. Tương truyền ngôi làng đã được xây dựng từ khoảng thế kỷ XVI. 100% dân số trong làng là người Tày, quây quần trong 14 nóc nhà truyền thống xây bằng đá, trải rộng khoảng 10.000m2.
Năm 2008, làng Khuổi Ky được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là “Làng văn hóa truyền thống tiêu biểu của dân tộc ít người”.
Năm 2018, Khuổi Ky được chọn làm điểm trải nghiệm du lịch cộng đồng trong tuyến du lịch "Trải nghiệm văn hóa bản địa ở xứ sở thần tiên" của Công viên địa chất Non nước Cao Bằng. Huyện Trùng Khánh nói riêng và tỉnh Cao Bằng nói chung đã có nhiều hoạt động truyền thông để lan tỏa hình ảnh làng đá Khuổi Ky tới du khách trong và ngoài nước.
Năm 2023, Trùng Khánh đón gần 1 triệu lượt khách, trong đó làng đá Khuổi Ky đón khoảng 5.000 lượt với trên 20% là khách quốc tế.
Cao Bằng được thiên nhiên ưu ái ban tặng nhiều thắng cảnh đẹp nổi tiếng, cùng những nét văn hóa phong phú, đậm đà bản sắc dân tộc. Phát huy lợi thế từ nguồn tài nguyên tự nhiên, nhân văn dồi dào này, Cao Bằng đã và đang nỗ lực từng bước khẳng định vị thế là trung tâm du lịch của khu vực trung du miền núi phía bắc.
Năm 2024, Cao Bằng đề ra kế hoạch triển khai 65 nhiệm vụ thuộc các nội dung về: Quy hoạch, đầu tư du lịch; xúc tiến, quảng bá; phát triển sản phẩm du lịch, dịch vụ; đẩy mạnh chuyển đổi số trong du lịch; khai thác và phát huy danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Non nước Cao Bằng; đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch...
Bên cạnh những nỗ lực trong đa dạng hóa sản phẩm du lịch, Cao Bằng còn đặc biệt chú trọng tới khâu tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến để lan tỏa hình ảnh đất và người Cao Bằng tới du khách trong, ngoài nước, từ đó thu hút đầu tư.
Theo Linh Trang - Thạch Thảo - Xuân Minh (VietNamNet)