Hàng thông trăm tuổi nằm trên con đường đi qua địa phận thôn 1, xã Nghĩa Hưng, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, cách TP. Pleiku khoảng 15 km và rất gần với nhiều điểm tham quan nổi tiếng như Chùa Bửu Minh, miệng núi lửa Chư Đang Ya...
Chạy dọc theo con đường liên thôn dài gần 1km, bạn sẽ thấy hai hàng thông trăm tuổi bên đường chụm đầu vào nhau thẳng tắp. Mỗi gốc thông to lớn đến mức ba người ôm còn không xuể. Cứ thế, hàng thông trăm tuổi tỏa bóng rợp mát khắp cả con đường, che nắng, che mưa cho biết bao người đi ngang qua.
Năm 1921, khi Pháp đặt chân đến mở đường, khai phá trồng lô chè đầu tiên cũng là năm trồng hàng thông đại thụ này. Được trồng bởi những người công nhân đồn điền Sở Trà thời kỳ Pháp thuộc, những tán thông đã lớn lên theo thời gian, kết thành bóng mát trên con đường liên thôn khiến cho ai ngang qua vùng đất này cũng phải ngỡ ngàng. Mỗi ngày, hàng thông trăm tuổi luôn đón một lượng người đến chiêm ngưỡng và check-in. Đây cũng là nơi được các cặp đôi yêu thích và lựa chọn làm địa điểm chụp ảnh, ghi dấu thanh xuân.
Với cảnh sắc đẹp lung linh không khác gì trong điện ảnh, hàng thông trăm tuổi thường được ví như một con đường tình yêu ở Hàn Quốc vì mỗi ngày thường có các cặp đôi đến đây check-in sống ảo.
Điều đặc biệt của hàng thông hơn trăm tuổi này là mỗi khi có cơn gió đi qua, ai cũng có thể nghe thấy tiếng rì rào, du dương như âm thanh của dàn nhạc đang tấu lên. Người dân ở đây vẫn gọi đó là tiếng “thông reo”.
Cho đến hiện tại, hàng thông với những gốc thông già trăm tuổi nhuốm rêu phong, xù xì đủ hình dạng nằm giữa bạt ngàn màu xanh của đồi chè vẫn là điểm đến của đông đảo người dân, du khách và nhiếp ảnh gia. Vẻ đẹp ấy có được không chỉ bởi khung cảnh thơ mộng, mà còn gắn liền với bề dày lịch sử, khai hoang của vùng đất này.
Thời điểm chụp hình lý tưởng ở con đường liên thôn này là vào sáng sớm, khi màn sương còn vương vấn và ánh nắng đầu ngày xuyên qua kẽ lá hoặc lúc hoàng hôn, ánh nắng ráng chiều nhuốm màu đỏ hồng “bao trùm” cả một vùng.
Theo Nguyên Vỵ (Tạp Chí Công Thương)