Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo của Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết sẽ giải quyết câu chuyện trên bằng hệ thống làm thủ tục dùng chung (iCute) do ACV tự phát triển.
Với hệ thống iCute, hành khách chỉ cần làm thủ tục tại quầy gần nhất thay vì phải đến đúng khu vực phục vụ riêng dành cho từng hãng.
Cụ thể, hành khách chỉ cần nhận diện logo và dòng chữ của hãng trên màn hình Led của hãng để vào làm thủ tục. Cũng theo vị này, hệ thống iCute không chỉ giúp tận dụng tối đa hạ tầng, mặt bằng nhà ga mà còn thúc đẩy các hãng nâng cao chất lượng dịch vụ mặt đất, tạo sự bình đẳng cho khách hàng được sử dụng dịch vụ đồng đều giữa các hãng.
Ông Vũ Thế Phiệt, tổng giám đốc ACV, cho biết việc đầu tư nâng cấp công nghệ ở các sân bay sẽ chú trọng xây dựng hạ tầng số, số hóa dữ liệu. Chuyển đổi số đang diễn ra ở sân bay như kiosk check-in dùng chung, bagdrop dùng chung, eGate (Self Boarding Gate)... nhằm hướng tới sân bay thông minh.
Thời gian qua, ACV đã chọn sân bay Cát Bi (Hải Phòng) để nâng cấp toàn bộ hệ thống công nghệ, trở thành điểm đầu tiên thử nghiệm công nghệ nhận dạng khuôn mặt khách khi làm thủ tục an ninh.
Đến nay, hệ thống công nghệ tại sân bay này đã được nâng cấp, hoàn thiện gồm: hệ thống máy chủ, hệ thống lưu trữ sao lưu và hệ thống bảo mật làm nền tảng cho việc triển khai các ứng dụng nghiệp vụ phục vụ công tác điều hành và phục vụ hành khách.
Sân bay này cũng xây dựng hệ thống xác thực hành khách, kết nối danh sách cấm bay của Cục Hàng không Việt Nam, hoàn thiện quy trình khép kín (check-in - kiểm soát an ninh - ra cửa máy bay), sử dụng hệ thống iCute.
Từ hệ thống iCute làm nền tảng cho việc triển khai hệ thống làm thủ tục online Sabre của Vietnam Airlines, sẵn sàng cho việc triển khai hệ thống làm thủ tục online của Vietjet (iPort) và Bamboo (iFly).
Ngoài ra, sân bay này cũng hoàn tất triển khai thí điểm xác thực căn cước công dân gắn chip và ứng dụng công nghệ sinh trắc học vào làm thủ tục cho hành khách đi tàu bay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Vietnam Airlines cho biết hãng đang tiến tới mục tiêu trở thành hãng hàng không số. Ngoài khai thác an toàn, ổn định, hãng tăng tốc áp dụng công nghệ mới từ dịch vụ mặt đất đến trên không.
Hãng đang triển khai tin nhắn Zalo hoặc tin nhắn SMS thông tin chuyến bay khi chuyến bay khởi hành 60 phút, kể cả thông tin thay đổi về cửa ra máy bay.
Thông báo quan trọng này giúp hành khách có thể dễ dàng tìm đến cửa ra máy bay một cách chính xác. Khi đang bay, hành khách vẫn được hãng cung cấp hơn 7.000 đầu báo, tạp chí với hơn 70 ngôn ngữ được phục vụ miễn phí. Từ ngày 1-8, Vietnam Airlines chính thức phát hành chương trình Podcast.
Đại diện Hãng Vietjet cũng cho biết hãng bay này đang tăng tốc mở rộng hệ thống check-in online ở các sân bay nội địa. Với các đường bay quốc tế đang khai thác, dịch vụ làm thủ tục trực tuyến đã được hãng bay này áp dụng cho các sân bay gồm: sân bay Nội Bài (Hà Nội); Melbourne, Sydney (Úc); New Delhi, Ahmedabad, Mumbai (Ấn Độ)...
Thời gian qua, theo sắp xếp của sân bay, mỗi hãng được bố trí khu vực làm thủ tục riêng. Hành khách mua vé hãng nào đến đúng quầy hãng đó. Vấn đề quầy thủ tục của mỗi hãng được mở theo giờ nhất định.
Ví dụ, quầy Pacific Airlines đông khung giờ 7h - 9h sáng nhưng Vietravel Airlines có ít chuyến, không khai thác hết số quầy. Do đó, có tình trạng ở khu vực này có nhiều quầy đóng trong khi ở khu vực khác, khách phải xếp hàng rất dài.
Hạ tầng hàng không cũng chưa được sử dụng hiệu quả, tăng áp lực mở rộng nhà ga tại các cảng hàng không. Ngoài ra, việc mỗi hãng bay triển khai riêng một hệ thống dịch vụ, nếu hệ thống xảy ra trục trặc tại một thời điểm nào đó, hành khách không thể làm thủ tục check-in.
Trong năm 2022, hệ thống máy tính kết nối giữa một hãng bay với sân bay Tân Sơn Nhất bị nghẽn khiến hàng loạt chuyến bay bị trễ, hàng nghìn khách ùn ứ ở sân bay. Phải mất đến 3 - 4 ngày mới giải quyết xong sự cố.
NT (SHTT)