Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo (Cty Luật TAT Law Firm) chia sẻ trong quá trình làm luật sư cũng như làm công tác giảng dạy ở nhiều cơ sở pháp luật, đã nhận được rất nhiều phản ánh của nhiều người về việc bị lừa đảo tiền trên không gian mạng.
Việc giả danh công an hay người của viện kiểm sát, tòa án… để lừa đảo chiếm đoạt tài sản không phải là thủ đoạn mới, nhưng vẫn có nhiều người “sập bẫy” và trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này.
“Thủ đoạn lừa đảo này thường được thực hiện bởi nhóm tội phạm có tổ chức, chúng sử dụng công nghệ chuyển đổi cuộc gọi Internet thành cuộc gọi thoại, gọi điện giả danh cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án, bưu điện ... thông báo người dân có liên quan đến các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, như ma túy, rửa tiền, tai nạn giao thông...
Các đối tượng này làm giả các lệnh bắt, quyết định khởi tố của cơ quan công an để đe dọa, sau đó yêu cầu nạn nhân sử dụng điện thoại hệ điều hành Android để tải và cài đặt ứng dụng có tên “Bộ Công an” do các đối tượng cung cấp.
Ứng dụng này thông báo cho bị hại các lệnh bắt, lệnh tạm giam giả để đánh vào tâm lý lo sợ, buộc phải làm theo yêu cầu của đối tượng. Đối với bị hại sử dụng điện thoại Iphone do tính năng kiểm duyệt chặt chẽ nên các App không có trên Apple Store thì việc thực hiện đăng nhập theo yêu cầu của đối tượng thông qua đường link do chúng gửi.
Sau khi cài đặt ứng dụng, đăng nhập đường link thì toàn bộ các thông tin tài khoản, mật khẩu, mã OTP được âm thầm chuyển về máy chủ của đối tượng. Sau đó các đối tượng truy cập vào tài khoản để chiếm đoạt hoặc yêu cầu bị hại mở một tài khoản mới, rút tiền từ các tài khoản khác.
Chẳng hạn yêu cầu bị hại rút tiền trong sổ tiết kiệm chuyển vào tài khoản mới mở, sau đó, kẻ lừa đảo thu thập các thông tin trên điện thoại bị hại... Khi có thông tin kẻ lừa đảo tự đăng ký dịch vụ Internet Banking, chuyển toàn bộ tiền từ tài khoản mới của bị hại vào tài khoản của đối tượng”, luật sư Thảo thông tin.
Theo luật sư Thảo, thủ đoạn lừa đảo này không mới, đã được khuyến cáo, cảnh báo thường xuyên bởi các cơ quan chức năng trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn bị lừa.
Những người bị lừa do một số nguyên nhân như thiếu hiểu biết về pháp luật, kiến thức xã hội hạn chế dẫn đến khó khăn trong việc nhận ra ngay những mâu thuẫn, bất hợp lý trong thông tin mà các đối tượng lừa đảo cung cấp.
Ít đọc khuyến cáo, cảnh báo của các cơ quan chức năng, thiếu sự chuẩn bị về tâm lý dẫn đến hoang mang, sợ hãi và thực hiện theo sự hướng dẫn, điều khiển của các đối tượng một cách “vô thức, theo quán tính” rồi bị chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, để tránh trở thành nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này, đầu tiên cần phải biết tùy thuộc vào từng cơ quan Nhà nước cụ thể mà sẽ có các quy định riêng về trình tự, thủ tục làm việc với người dân.
Trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đều có các quy định rõ về thủ tục ban hành lệnh tạm giữ, tạm giam, quy trình, thủ tục điều tra, truy tố, xét xử... Nhìn chung, trong hoạt động của các cơ quan Nhà nước với người dân, pháp luật đều có các quy định bắt buộc các cơ quan Nhà nước (Công an, Viện kiểm sát, Tòa án, Thuế, Hải quan...) khi làm việc với các công ty, doanh nghiệp, cá nhân đều có giấy giới thiệu, giấy mời hoặc trực tiếp gặp mặt để trao đổi công việc và không có quy định gọi điện thoại yêu cầu chuyển tiền.
Do đó, tất cả các cuộc điện thoại tự nhận là cơ quan chức năng đang điều tra, giải quyết vụ án, vụ việc... rồi yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản đều có nguy cơ là lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Vì vậy, việc đầu tiên khi tiếp nhận các cuộc gọi giả danh như trên, người nghe phải kiểm soát được sự sợ hãi. Nói cách khác, khi sợ hãi chúng ta thường hành động phi lý trí mà dựa theo bản năng.
Khi chậm một nhịp và đã giữ được sự bình tĩnh, tâm trí trở nên sáng suốt hơn, lúc này bằng sự hiểu biết, bằng kiến thức xã hội vốn có, chúng ta sẽ phân tích được người gọi điện, nhắn tin có phải là đối tượng lừa đảo hay không.
Tuy nhiên, để có thể đạt đến mức độ không sợ hãi, giữ được sự bình tĩnh trong những trường hợp bất ngờ, đột xuất, cần phải có sự luyện tập thường xuyên cho tâm trí.
Đặc biệt, phải luôn luôn tuân thủ tuyệt đối pháp luật, tránh làm những điều sai phạm dẫn đến bị các đối tượng lừa đảo nắm thóp hoặc chỉ đơn giản là “có tật giật mình” bị các đối tượng lừa đảo thao túng.
Theo Tiến Dũng (VietNamNet)