|
Người dân tập trung xem lực lượng chức năng khám nghiệm hiện trường. |
Để kịp thời khắc phục hậu quả của vụ tai nạn, ngăn ngừa tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm trong công tác cấp cứu người bị tai nạn giao thông, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia đề nghị Ban An toàn giao thông TP Hải Phòng quan tâm thăm hỏi, động viên gia đình nạn nhân và chỉ đạo Công an TP Hải Phòng điều tra làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm người gây tai nạn.
Ngoài ra, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia cũng đề nghị Sở Y tế Hải Phòng phải xác minh rõ những nội dung phản ánh về tinh thần, thái độ của cán bộ y tế trong ca cấp cứu có mặt trên xe cứu thương; xác định và rõ trách nhiệm cũng như xử lý vi phạm (nếu có) theo quy định của pháp luật.
Chiều ngày 27/1, một lãnh đạo Ban ATGT TP Hải Phòng cho hay sáng cùng ngày đơn vị này đã xuống động viên thăm hỏi gia đình thai phụ xấu số.
|
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: VTC |
Lãnh đạo Ban ATGT Hải Phòng cho biết thêm, tài xế điều khiển xe khách Hải Âu được xác định là Đỗ Thế Vinh (51 tuổi, trú xã Liêm Am (Vĩnh Bảo, Hải Phòng). Tuy nhiên, cơ quan chức năng chưa xác định được danh tính người điều khiển xe đạp va chạm với chị Thanh.
Sau khi sự việc xảy ra, Công ty TNHH Vận tải bus Hải Phòng, gia đình tài xế Vinh đã có trách nhiệm ban đầu cùng với gia đình nạn nhân. Lãnh đạo Ban ATGT cũng tới chia buồn, động viện thân nhân sản phụ gặp nạn.
Sáng 26/1, thai phụ Tiêu Thị Thanh gặp tai nạn trên đường Tôn Đức Thắng (An Đồng, An Dương, Hải Phòng).
Theo những người chứng kiến, thời điểm trên, chiếc xe chở khách của hãng Hải Âu, mang BKS 16N đang lưu thông theo hướng Hải Phòng - Hà Nội ở giữa lòng đường còn chị Thanh điều khiển xe máy Airblade cùng chiều với ôtô. Phía trong cùng của đường, một người phụ nữ bán báo dạo bằng xe đạp, phía sau chở theo những chiếc vòng mây cồng kềnh.
Do chạy xe sát nhau, chị Thanh bị ngoắc tay lái vào chiếc vòng mây của xe bán báo dạo, ngã ra đường và bị cuốn vào bánh sau của ôtô khách.
Theo phản ánh của người dân, khoảng 15 phút sau, xe cấp cứu đến hiện trường nhưng thấy nạn nhân được đắp chiếu nên họ lại rời đi ngay, không thăm khám.
Luật sư Chu Bá Thực, Công ty Luật Dân Việt – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay hành vi thấy người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, tuy có điều kiện mà không cứu dẫn đến hậu quả người đó chết thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu người không cứu giúp là người đã vô ý gây ra tình trạng nguy hiểm hoặc là người mà theo pháp luật hay nghề nghiệp có nghĩa vụ phải cứu giúp thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm (theo quy định tại Điều 102 Bộ luật Hình sự). Trong trường hợp xe cấp cứu được thông báo qua tổng đài hoặc có chỉ đạo cứu giúp người gặp nạn mà họ tới không thực hiện nhiệm vụ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về các hành vi “Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nhiệm vụ được giao gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm” hoặc “Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười hai năm”, tại khoản 1, điều 285, Bộ luật hình sự. |
Theo Hoàn Nguyễn (Zing.vn)