Đối với lĩnh vực Nội vụ, Nghị quyết có nội dung thể hiện chính kiến của Quốc hội với nguyên Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng.
Cụ thể, Nghị quyết viết: "Quốc hội phê phán nghiêm khắc ông Vũ Huy Hoàng, Bộ trưởng Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2011-2016 trước Quốc hội và cử tri cả nước do đã có những vi phạm về công tác cán bộ trong thời gian đảm nhiệm chức vụ nêu trên, gây hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn. Giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan bảo vệ pháp luật tiếp tục làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật".
Dù có ý kiến đề nghị cân nhắc việc đưa vụ việc của ông Vũ Huy Hoàng vào Nghị quyết chất vấn, Quốc hội vẫn quyết định thể hiện sự biểu thị về sai phạm của nguyên Bộ trưởng Công thương về việc này. |
Nghị quyết cũng đồng thời yêu cầu tăng cường công tác giám sát, quản lý cán bộ, làm tốt việc thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi sai phạm của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu; khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức, tạo cơ sở pháp lý đồng bộ để xử lý công bằng và nghiêm minh các hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức, kể cả khi đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu.
Trước đó, trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, có ý kiến đại biểu đề nghị cân nhắc thêm việc đưa trường hợp ông Vũ Huy Hoàng vào nghị quyết này để dùng từ cho phù hợp. Bên cạnh đó, việc “gây hậu quả nghiêm trọng” thường gắn với vi phạm pháp luật về hình sự.
Giải trình nội dung này, UB Thường vụ Quốc hội nhận định, sai phạm của ông Vũ Huy Hoàng có ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Đảng, Nhà nước, Bộ Công Thương, gây nhiều bức xúc trong xã hội, được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn, nên cần được quy định tại nghị quyết để thể hiện chính kiến của Quốc hội.
Còn việc vi phạm về pháp luật hình sự (nếu có) sẽ được các cơ quan chức năng làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Đối với lĩnh vực Công Thương, Quốc hội yêu cầu tư lệnh ngành này rà soát, đánh giá tổng thể về thực trạng, mức độ thiệt hại, khẩn trương xử lý dứt điểm đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả, không để tiếp tục kéo dài gây thiệt hại cho Nhà nước; xác định rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có sai phạm trong quá trình đầu tư, từ đề xuất chủ trương, thẩm định, phê duyệt đến thực hiện đối với các dự án thua lỗ, kém hiệu quả; làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra quá trình tổ chức thực hiện và đề xuất hoàn thiện chính sách pháp luật trong lĩnh vực này.
Bộ Công Thương cũng phải tiếp tục thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu trong quy hoạch phát triển ngành ô tô Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2035; hoàn thành danh mục sản phẩm cơ khí trọng điểm; xây dựng lộ trình thực hiện kể từ năm 2017, cơ chế khuyến khích sản xuất để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa trong công nghiệp ô tô.
Đối với lĩnh vực tài nguyên và môi trường, Quốc hộ lưu ý việc giám sát chặt chẽ các tác nhân gây ô nhiễm môi trường của Dự án Formosa Hà Tĩnh, theo dõi và có biện pháp phục hồi môi trường biển, thực hiện có hiệu quả công tác bồi thường, sớm ổn định sản xuất và đời sống của người dân trong vùng bị thiệt hại ở các tỉnh miền Trung; bảo đảm thực hiện đầy đủ các cam kết của chủ Dự án trước khi đi vào sản xuất.
Quốc hội yêu cầu ngành hoàn thành việc rà soát, đánh giá tổng thể, có giải pháp cụ thể, khả thi để kiểm soát chặt chẽ tình trạng ô nhiễm môi trường trên phạm vi cả nước. Thực hiện các biện pháp, bảo đảm không để phát sinh các cơ sở gây ô nhiễm mới và kiên quyết xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường trong danh mục đã được rà soát, phê duyệt.
Đối với lĩnh vực Giáo dục và đào tạo, Quốc hội nhắc nhở việc tổ chức rà soát để thực hiện hiệu quả Luật giáo dục; hoàn thành việc xây dựng và triển khai hiệu quả các đề án, giải pháp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo; đổi mới tổ chức công tác thi và tuyển sinh theo lộ trình, đồng bộ với quá trình đổi mới dạy và học, tránh tạo áp lực cho học sinh và phụ huynh học sinh; tổ chức định hướng nghề nghiệp, phân luồng học sinh phổ thông phù hợp với cơ cấu phát triển nguồn nhân lực quốc gia.
Với giáo dục phổ thông, Quốc hội yêu cầu thực hiện việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa phổ thông bảo đảm chất lượng, phù hợp với định hướng đổi mới, triển khai áp dụng từ năm học 2018-2019. Với giáo dục đại học, Quốc hội giao nhiệm vụ rà soát quy hoạch mạng lưới giáo dục đại học trên cơ sở kiểm định chất lượng đào tạo, phân tầng, xếp hạng, cơ cấu đào tạo; thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu xã hội, tạo việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.
Theo P.Thảo (Dân Trí)