Chiều 1-5, tại buổi làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường (tổ chức tại trụ sở UBND tỉnh Hà Tĩnh), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra nhiều chính sách hỗ trợ đời sống người dân và chỉ đạo khắc phục sự cố hiện tượng cá chết thời gian qua.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Việt Nam đủ sức lo cho mọi người dân. Chúng ta có trách nhiệm đảm bảo cuộc sống bình yên cho người dân trước mắt và lâu dài, trong đó có nghề đánh bắt cá tại khu vực này…”.
Kết luận buổi làm việc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ những thiệt hại với nhân dân các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường thời gian qua. Thủ tướng cũng ghi nhận các địa phương với tinh thần trách nhiệm cao đã chủ động, tích cực phối hợp với các bộ, ngành liên quan giải quyết vấn đề; hỗ trợ nhân dân bước đầu khôi phục sản xuất, ổn định cuộc sống.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì cùng với các nhà khoa học nước ngoài để sớm kết luận nêu rõ nguyên nhân, kết luận cuối cùng thủ phạm chính của việc này ở đâu, từ đâu. Từ đó yêu cầu Bộ TN&MT phát ngôn vấn đề này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Tinh thần làm việc là khách quan trung thực, kịp thời. "Yêu cầu xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật, không loại trừ tổ chức, cá nhân nào" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Công an làm rõ thủ phạm hủy hoại môi trường để sớm kết luận khách quan để xử lý nghiêm minh, khách quan đúng pháp luật.
Thủ tướng yêu cầu Bộ TN&MT và chủ tịch UBND các địa phương tăng cường kiểm tra mọi cơ sở sản xuất, không được để tình trạng xả thải ra biển, vi phạm về môi trường. Theo đó cần rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải, không loại trừ ai nếu có vi phạm. Bộ TN&MT đề ra chủ trương và các biện pháp để có biện pháp quan trắc, chủ động và hiện đại hơn để giám sát môi trường.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ TN&MT có báo cáo kiểm điểm, làm rõ việc cho phép lắp đặt hệ thống xả thải của Formosa, không kết luận vội vàng và làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể có liên quan, báo cáo Thủ tướng Chính phủ; đồng thời đề xuất cụ thể phương hướng xử lý tiếp theo.
Đặc biệt Bộ TN&MT phải có đánh giá tác động môi trường của việc xả thải của các nhà máy và hướng xử lý ra sao. Yêu cầu Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, TN&MT... công bố công khai vị trí, các điểm đánh bắt từng loại tôm, mực, cá, các loại hải sản khác an toàn để người dân an tâm sử dụng được.
Thủ tướng đánh giá cao những hình ảnh bộ trưởng Bộ TT&TT ăn cá ngay tại chợ để chứng minh rằng cá này sạch. Đồng thời đánh giá cao lãnh đạo các tỉnh, thành đã xuống biển tắm cùng du khách, người dân. Đặc biệt các tỉnh như Thừa Thiên-Huế đã công bố các chỉ số về nước biển để mọi người yên tâm rằng bây giờ không có vấn đề gì.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hải sản chết bất thường. |
Thủ tướng giao Bộ Công Thương phối hợp cơ quan chức năng chỉ đạo thu mua sản phẩm đánh bắt xa bờ kịp thời.
Về chính sách hỗ trợ, Thủ tướng cho biết đối với các hộ nuôi trồng thủy sản có diện tích bị thiệt hại thì đã có quy định hỗ trợ cụ thể. Các tàu đánh bắt ven bờ bị ảnh hưởng được cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng (với hơn 12.000 tàu, khoảng 200.000 người) trong thời gian 45 ngày. Về tiền, đồng ý hỗ trợ 60 tỉ đồng (5 triệu đồng/tàu) cho các tàu đánh bắt ven bờ bị ảnh hưởng không ra khơi. Đồng thời, hỗ trợ lãi suất 20 tỉ đồng cho các cơ sở thu mua, sản xuất cá.
"Điều quan trọng nhất giảm, giãn, khoanh, xóa nợ cho các đối tượng, ngừng thu lãi suất cho các chủ tàu đang gặp khó khăn" - Thủ tướng nói và giao Ngân hàng Nhà nước triển khai việc này.
Thủ tướng cũng yêu cầu xử lý nghiêm những kẻ lợi dụng tình hình để xúi giục, phá hoại an ninh trật tự tại địa phương. Chính quyền địa phương không được lơ là mất cảnh giác, không để tình trạng bị động, bất ngờ xảy ra. Đồng thời yêu cầu các bộ, ban ngành, các tỉnh không chờ đợi, đừng để chậm trong xử lý thông tin...
Theo Đ.Lam (Pháp Luật TPHCM)