Xyanua nguy hiểm thế nào, những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc xyanua tuyệt đối không nên bỏ qua

08/07/2024 09:09:58

Xyanua là chất cực độc có thể gây ngộ độc qua da, ăn uống hoặc hít phải khí độc. Nạn nhân có thể tử vong sau 3-5 phút nhiễm độc nếu không được xử lý kịp thời.

Mới đây, Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân N.H.B.T (18 tuổi, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) bị ngộ độc Xyanua do bị đầu độc.

Đáng chú ý, chỉ trong 8 tháng, trong gia đình của bệnh nhân này có 5 người chết bất thường, với các biểu hiện nôn ói, nhức đầu, chóng mặt, sau đó rối loạn nhịp tim, ngưng tim…

Sự việc được cơ quan chức năng điều tra và xác định nghi phạm là Nguyễn Thị Hồng Bích (SN 1986, ngụ xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai). Ngày 5/7,  Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Nguyễn Thị Hồng Bích về tội Giết người.

Xyanua nguy hiểm thế nào, những dấu hiệu cảnh báo ngộ độc xyanua tuyệt đối không nên bỏ qua
Ảnh minh họa

Câu hỏi được đặt ra là Xyanua độc đến mức nào mà khiến một người đang khỏe mạnh bỗng hôn mê nguy kịch, phải điều trị nhiều ngày, thậm chí đối diện nguy cơ tử vong?

Xyanua (Cyanide) là một hợp chất hóa học chứa nhóm cyano (C≡N), bao gồm một nguyên tử carbon liên kết ba với một nguyên tử nitơ. Xyanua có thể hiện diện dưới dạng chất lỏng (axit xyanhydric) hoặc chất khí (xyanogen clorua) hoặc chất rắn (muối natri xyanua hoặc kali xyanua).

Đây là hóa chất cực độc, được liệt vào danh sách "độc nhất trong các chất độc". Chỉ cần khoảng 50-200mg Xyanua xâm nhập qua đường miệng, hoặc hít khoảng 0,2% dạng khí cũng đủ gây tử vong một người khỏe mạnh.

Xyanua được hấp thu nhanh, ức chế rất mạnh với hô hấp tế bào. Nhiễm độc Xyanua khiến cơ thể không trao đổi oxy được, gây "nghẹt thở trên cạn". Bệnh nhân tử vong thường do suy hô hấp, co giật.

Trong tự nhiên, xyanua có thể được tìm thấy với lượng nhở trong một số loại thực phẩm như hạt táo, măng, sắn...

Trong công nghiệp, xyanua được sử dụng trong nhiều ngành công nghiệp như khai thác vàng, sản xuất nhựa, giấy.... Ngoài ra, khói thuốc lá và khí thải xe cộ cũng có thể là một trong những nguồn tiếp xúc xyanua tiềm ẩn.

Các bác sĩ khuyến cáo, người dân cần biết cách loại bỏ độc tố khi chế biến những loại thực phẩm nguy cơ chứa Xyanua. Chất độc này có đặc tính tan trong nước và bay hơi ở nhiệt độ cao, nên khi sử dụng sắn hay măng cần ngâm thực phẩm trong nước một vài tiếng để giảm hàm lượng Xyanua, gọt bỏ sạch vỏ bên ngoài và nấu sôi, để bay hơi khi chế biến. Riêng đối với măng cần luộc lên đổ nước đi khi luộc rồi mới chế biến.

Thông thường sau khi bị ngộ độc Xyanua, nạn nhân sẽ trải qua 3 giai đoạn. Đầu tiên là kích động, khi nạn nhân có dấu hiệu lo lắng, kích động, thở nhanh và lú lẫn. Sau đó, người bị ngộ độc bắt đầu co giật, khó thở, tụt huyết áp và bị giảm thông khí. Cuối cùng là trạng thái giảm trương lực cơ và mất phản xạ, hạ oxy trong máu, trụy tim mạch và tử vong.

Ngoài tử vong, có những trường hợp bị biến chứng nặng, gây tổn thương não vĩnh viễn, không hồi phục, sống thực vật, liệt hoàn toàn.

Khi có các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc như đã nêu, nạn nhân cần được nhanh chóng đưa đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời, giảm nguy cơ tử vong và để lại các biến chứng nặng.

HL (SHTT)