Xuất khẩu lao động “chui”: Đổi đời chưa thấy, đổi mạng tức thì

10/07/2017 06:57:00

Chỉ vì mong muốn sớm đổi đời, lại được các “cò” hứa hẹn một viễn cảnh tươi đẹp bên xứ người, nhiều người dân đã lén lút đi xuất khẩu lao động “chui”, rồi bị “sập bẫy”. Khi nhận biết mình bị lừa thì đã quá muộn, người mất tiền, kẻ vướng vào vòng lao lý, thậm chí mất cả tính mạng...

Chỉ vì mong muốn sớm đổi đời, lại được các “cò” hứa hẹn một viễn cảnh tươi đẹp bên xứ người, nhiều người dân đã lén lút đi xuất khẩu lao động “chui”, rồi bị “sập bẫy”. Khi nhận biết mình bị lừa thì đã quá muộn, người mất tiền, kẻ vướng vào vòng lao lý, thậm chí mất cả tính mạng...

Ngày 9.7, theo thông tin từ Sở Ngoại vụ Nghệ An, trên chuyến tàu vượt biển sang Đài Loan (Trung Quốc) và mất tích tại eo biển Đài Loan vào ngày 31.3 vừa qua có 4 người ở Nghệ An. Đến thời điểm hiện nay, một số thi thể (trong số hơn 20 nạn nhân) đã được nhận dạng và đưa về nước, một số vẫn đang được bảo quản tại nhà xác tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) để chờ thực hiện các thủ tục nhận dạng.

xuat khau lao dong “chui”: doi doi chua thay, doi mang tuc thi hinh anh 1

Bà Trần Thị Trâm mong ngóng sớm nhận tro cốt của con để an táng. Ảnh: C.T

Đến nhà nạn nhân Lưu Xuân Hoàng ở xóm 10, xã Nam Lộc, huyện Nam Đàn (Nghệ An), chỉ có bà Trần Thị Trâm - mẹ Hoàng - ngồi bên chiếc bàn thờ lập vội cho con trai. Theo bà Trâm, chồng bà đã sang Trung Quốc để xét nghiệm ADN phục vụ cho việc nhận diện thi thể con trai. “Chồng tôi mới điện về nói chắc phải vài ngày nữa mới hoàn tất thủ tục để đưa thi thể cháu Hoàng về nước...” - bà Trâm nức nở nói.

Bà Trâm kể, trước đây Hoàng từng đi lao động tại Đài Loan sau khi tốt nghiệp cao đẳng ngành điện. Đến tháng 5.2016, do lương thấp, công việc không có, Hoàng về nước. Ở nhà không có việc làm, Hoàng lại đi Đài Loan lần nữa. Tuy nhiên, lần này Hoàng không bàn bạc với bố mẹ. Đến ngày 25.5, gia đình nhận được điện thoại của một người đang ở Đài Loan báo về nói có tàu bị chìm ở Trung Quốc, trên tàu có nhiều người Việt Nam và có thi thể nghi là của Hoàng.

“Suốt hai tháng nay, không đêm nào tôi chợp mắt được, cứ nhắm mắt lại là thấy con đang lạnh lẽo ở xứ người. Giờ đây, tôi chỉ mong mỏi làm sao sớm đưa tro cốt của con về an táng thôi...” - bà Trâm nghẹn ngào. Lợi dụng tâm lý mong muốn sớm được đi xuất khẩu lao động của người dân, một số cá nhân, doanh nghiệp tư nhân ở Nghệ An không có chức năng xuất khẩu lao động, nhưng vẫn xuất khẩu lao động “chui”, khiến lao động khi sang xứ người không có việc làm ổn định, lương thấp và không hề có giấy tờ tùy thân, không ít trường hợp gặp nạn hay mất mạng.

Cuối tháng 5.2015, cơ quan điều tra Công an tỉnh Nghệ An bắt giữ Trần Văn Trung (trú tại TP. Nam Định, tỉnh Nam Định) - Giám đốc Chi nhánh Công ty cổ phần Du lịch, dịch vụ HP (thuộc Công ty cổ phần Du lịch, dịch vụ dầu khí Hải Phòng) vì đã ký hợp đồng, tổ chức đưa 29 lao động ở 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh ra nước ngoài bất hợp pháp.

Trong năm 2016, Công an Nghệ An khởi tố vụ án, bắt tạm giam Phạm Duy Tuyên, trú tại huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh về hành vi tổ chức đưa người đi lao động trái phép. Tuyên đã thu 26.000 USD và 1,24 tỷ đồng tiền mặt của một số lao động ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh để tổ chức đưa người đi nước ngoài bất hợp pháp thông qua các tour du lịch.

Lao động bất hợp pháp gặp nhiều rủi ro

Trao đổi với NTNN, bà Đặng Thị Phương Thủy - Phó Trưởng phòng Việc làm và an toàn lao động (Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An) cho biết: Đến thời điểm này, Nghệ An có trên 22.000 lao động cơ trú bất hợp pháp tại các nước, đứng thứ 16 cả nước. Riêng thị trường Hàn Quốc có trên 2.100 người đã hết hạn hợp đồng lao động nhưng không về nước, làm ảnh hưởng chung đến quyền lợi của người đang có nhu cầu đi xuất khẩu lao động hợp pháp, đó là chưa kể hàng nghìn người cũng đang cư trú bất hợp pháp tại các nước khác. “Đến nay, cơ quan chức năng phối hợp Cục Lao động ngoài nước đã vận động, đưa được 1.251 lao động người Nghệ An cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc về nước” - bà Đặng Thị Phương Thủy cho biết thêm.

Thiếu tá Chu Văn Hương - Đội trưởng đội điều tra án, Phòng an ninh điều tra Công an tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua, đơn vị đã phá nhiều đường dây đưa lao động ra nước ngoài trái phép. Một số lao động do thiếu hiểu biết các quy định của pháp luật về xuất khẩu lao động, vô tình trở thành nạn nhân của các đường dây xuất khẩu lao động “ma”. Tuy nhiên, phần lớn người lao động là do muốn “đi tắt”, không phải trải qua các kỳ sát hạch với yêu cầu rất cao mà vẫn có việc làm tốt, thu nhập cao nên sẵn sàng bỏ một số tiền lớn để đi “chui”.

“Các lao động nếu được đưa sang nước ngoài bằng hình thức đi "chui" sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, không được pháp luật nước sở tại bảo hộ, nguy cơ bị ngược đãi hoặc mức lương không đúng với hứa hẹn, bị bỏ rơi, phải đối mặt với nguy hiểm về tính mạng. Bởi vậy, người lao động cần tìm hiểu kỹ về các chương trình hợp tác lao động của Nhà nước với các nước bạn. Đặc biệt, phải cảnh giác trước những lời dụ dỗ, hứa hẹn của các đối tượng không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động” - thiếu tá Chu Văn Hương cho biết thêm

Theo Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nghệ An, hiện toàn tỉnh có trên 56.000 người đang làm việc có thời hạn ở nước ngoài, nguồn thu nhập do xuất khẩu lao động chuyển về ước tính đạt 250 triệu USD/năm. Riêng trong năm 2016 có 10.125 người đi xuất khẩu lao động.

Theo C.Thắng (Dân Việt)