Chiều 9/11, ông Ngô Xuân Lộc, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Đắk Nông, cho biết tỉnh đã chỉ đạo cơ quan chức năng xác minh những vết nứt tại thôn 1 (xã Nhân Đạo) nằm cạnh hồ bùn đỏ Alumin Nhân Cơ.
Theo ông Lộc, việc nứt này xuất hiện nhiều tháng trước và người dân làm đơn gửi các cơ quan chức năng.
"Địa phương đã kiểm tra nhưng chưa có kết luận về nguyên nhân. Tuy nhiên, việc này tạm thời chưa gây nguy hiểm cho người dân và tài sản", ông Lộc nói.
Người phát ngôn của UBND tỉnh Đắk Nông cũng nói rằng thời gian qua mưa kéo dài nên chưa thể xử lý sự cố vết nứt khiến hơn 1 ha đất cây trồng của người dân bị ảnh hưởng. Trong đợt bão số 12, vết nứt rộng thêm.
"Tỉnh đã yêu cầu các ngành chức năng tiếp tục xem xét, xử lý để đảm bảo an toàn cho con người, sản xuất”, ông Lộc chia sẻ.
Lãnh đạo UBND xã Nhân Đạo và Phòng NN&PTNT huyện Đắk R’Lấp cũng xác nhận khu vực xuất hiện vết nứt là diện tích đất sản xuất nông nghiệp, tiếp giáp với bờ kè mương thoát nước hồ bùn đỏ số 2 thuộc Nhà máy Alumin Nhân Cơ.
Theo thống kê có hơn 1 ha đất canh tác nông nghiệp của một số hộ dân bị sụt lún. Nhiều vết nứt có chiều dài khoảng 100 m; sâu trung bình từ 50-70 cm, có vị trí tới 1,5 m; rộng từ 30-50 cm.
Ông Trần Có (49 tuổi, thôn 1, xã Nhân Đạo) có hơn 3 ha đất trồng chanh gần hồ bùn đỏ số 2. Vài tháng nay có 1,5 ha bị sụt lún, thiệt hại hơn 100 triệu đồng.
Theo ông Có, tháng 8/2017, ông phát hiện vết nứt cắt ngang thửa đất với chiều dài hơn 100 m. Hiện, vết nứt rộng ra thêm và có thêm nhiều vết nứt khác, độ sâu khoảng 50-70 cm.
"Có thể do hồ bùn đỏ sâu quá mà làm bờ kè không tốt. Thời gian gần đây do mưa lớn, lượng nước từ trên đồi đổ xuống mương dẫn nước của hồ, gây hỏng chân khiến đất, cây trồng bị sụt lún", ông Có nhận định.
Trao đổi với PV, ông Ngô Tố Ninh, Phó Giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông (chủ đầu tư của Nhà máy Alumin Nhân Cơ, thuộc tập đoàn Than khoáng sản - TKV) cho biết việc sụt lún là do mưa lớn dẫn đến hiện tượng thẩm thấu chứ không phải do tác động từ hồ bùn đỏ.
Để khắc phục sạt lở, công ty đã dùng bạt để che chắn nhằm hạn chế nước thẩm thấu và thuê đơn vị tư vấn khảo sát nhằm lên phương án khắc phục khu vực gây sụt lún.
"Công ty đã có chủ trương hỗ trợ cây trồng, diện tích đất bị sụt lún của người dân; thu hồi toàn bộ diện tích đất canh tác nông nghiệp của người dân quanh khu vực hồ bùn đỏ để làm hành lang", ông Ninh nói.
Theo Tây Nguyên (Tri Thức Trực Tuyến)