Trưa 8/7, một vầng sáng lạ bỗng xuất hiện trên bầu trời tỉnh Điện Biên. Vầng sáng tròn lớn, có màu sắc giống với cầu vồng “ôm” trọn lấy mặt trời.
Nhiều người dân cho biết, từ khoảng 11 giờ 30 ngày 8/7, sau cơn mưa lớn, những đám mây trắng xuất hiện và xen giữa khoảng cách từ mặt trời tời vầng sáng. Cùng với đó, nền trời bên trong vòng tròn trở nên sậm màu lạ thường.
Hiện tượng trên kéo dài đến khoảng 13 giờ 30 thì kết thúc và nhanh chóng trở thành đề tài bàn luận của nhiều người.
Xen giữa mặt trời và vầng sáng là những đám mây sậm màu |
Một số người cho rằng vầng sáng là một dạng cầu vồng tròn hiếm gặp - vốn là hiện tượng thiên nhiên có một không hai trên Trái đất. Số khác lại cho rằng có thể đây là một điềm báo của thiên nhiên.
Ngày 9/7, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Toàn – Giám đốc Đài KTTV khu vực Tây Bắc xác nhận có hiện tượng như vậy xảy ra trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
“Vầng sáng xuất hiện sau cơn mưa cũng giống như hiện tượng cầu vồng. Đó là một dạng khúc xạ ánh sáng. Ánh sáng chiếu qua hơi nước nên xuất hiện những tia sáng bao quanh mặt trời”, ông Toàn nói.
Hiện tượng "vầng Mặt trời" kéo dài khoảng 2 giờ đồng hồ là kết thúc |
Theo ông Toàn, vầng sáng này được gọi là "vầng Mặt trời". Ban ngày, ánh sáng Mặt trời chiếu qua mây ti tầng (Cirrostratus) ở độ cao 6 - 8km. Do mây này có cấu trúc tinh thể nên ánh sáng bị khúc xạ khiến vầng xuất hiện với đủ sắc màu y hệt cầu vồng. Tuy nhiên, cầu vồng và "vầng Mặt trời" có sự sắp xếp màu sắc trái ngược nhau.
Ông Toàn cho biết thêm, đây là hiện tượng thiên nhiên bình thường, rất ít xuất hiện và không ảnh hưởng gì đến đời sống của người dân. Hiện tượng này cũng không liên quan tới các điềm cảnh báo thảm họa như nhiều người liên tưởng. Thậm chí, việc quan sát được quầng sáng rõ còn chứng tỏ thời tiết tốt, nắng, khô ráo và bầu trời quang đãng.
Theo Triệu Quang (Dân Việt)