Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, việc xử lý báo chí sai phạm vừa qua là sự đau lòng cần thiết, để khắc phục tình trạng dễ dãi trong hoạt động báo chí.
Phát biểu tại hội nghị, ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương - khẳng định trong năm qua, báo chí đã vượt khó, đóng góp vào những thành tựu chung của đất nước. Hoạt động báo chí cũng như công tác chỉ đạo, quản lý báo chí đã có những bước tiến mới.
Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trưởng ban Tuyên giáo trung ương cho rằng xử lý một số cơ quan báo chí, nhà báo sai phạm trong năm 2016 là việc không mong muốn, nhưng phải làm và là “sự đau lòng cần thiết” để khắc phục tình trạng dễ dãi, góp phần làm trong sạch hoạt động báo chí.
Đề cập những thách thức của báo chí Việt Nam trong năm 2017, ông Thưởng nhấn mạnh công nghệ số hóa phát triển đang tác động toàn diện đến cách thức, phương tiện, thói quen tiếp cận và tìm kiếm thông tin của mọi người. Đội ngũ phóng viên cần phải cập nhật kiến thức, công nghệ, kỹ năng làm báo hiện đại. Các cơ quan báo chí cần thay đổi mô hình quản lý tòa soạn, tiếp cận phù hợp và hiệu quả với bài toán kinh tế báo chí.
Tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cảm ơn báo chí đồng hành cùng Chính phủ và đất nước. Trong năm qua, báo chí đã phản biện, góp ý xây dựng chính sách, nhất là ở lĩnh vực y tế, giáo dục... Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí; đồng thời phải thích ứng việc xử lý các sự cố về thông tin một cách nhạy bén, kịp thời và đúng đắn nhất.
Phó thủ tướng cũng chia sẻ những thách thức đối với hoạt động báo chí hiện nay. Ông cho biết phần lớn cơ quan báo chí hiện không còn được bao cấp, trong khi sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới, mạng xã hội đưa báo chí vào cuôc canh tranh khốc liệt.
"Tôi mong báo chí giữ lòng tin của cộng đồng, của nhân dân", Phó thủ tướng nói.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (giữa) trao đổi với đại biểu dự hôi nghị. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Trước đó, trong báo cáo tổng kết tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo cho biết trong năm 2016, báo chí đã tích cực phát hiện, cổ vũ nhân tố mới; đề xuất nhiều giải pháp, hướng đi thiết thực; đấu tranh kiên quyết với hành vi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực xã hội; tham gia giám sát, phản biện xã hội.
Tuy nhiên, hoạt động báo chí còn tồn tại những thiếu sót, khuyết điểm, đặc biệt là tình trạng thông tin sai sự thật, gây phương hại đến lợi ích quốc gia, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của công dân. Ông đưa ra ví dụ vụ thông tin về nước mắm nhiễm thạch tín và vụ cậu bé lớp 6 ở Gia Lai tự tử.
Nhiều trường hợp phóng viên chỉ soi mói, tìm những sơ hở hạn chế của tổ chức, doanh nghiệp để gây áp lực với động cơ không lành mạnh, thậm chí dọa dẫm, sách nhiễu để vụ lợi. Hiện tượng này nếu không ngăn chặn kịp thời có thể gây mất lòng tin của nhân dân đối với báo chí, ảnh hưởng xấu đến uy tín của những người làm báo chân chính.
Tại Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng đã trao Bằng khen tặng các tác giả có tác phẩm, chuyên đề, chuyên mục báo chí chất lượng tốt năm 2016 trong tuyên truyền các chủ đề về biểu dương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến; xây dựng Đảng; đấu tranh phòng, chống "diễn biến hòa bình", phòng chống tiêu cực, tham nhũng.
Xử phạt 139 trường hợp Năm 2016 Bộ Thông tin và Truyền thông đã kiểm tra, xử phạt 139 trường hợp với số tiền hơn 3,6 tỷ đồng; thu hồi thẻ nhà báo với 13 người có sai phạm và bị xử lý kỷ luật. Bộ cũng có quyết định đình bản tạm thời 3 tháng đối với 4 trường hợp cơ quan báo chí có sai phạm. |
Theo Công Khanh (Zing.vn)