Liên quan đến vụ việc 2 ngư dân bị đánh đập dã man trên tàu gây xôn xao dư luận trong thời gian qua, ngày 18/12, ông Trương Văn Trung (47 tuổi, thường trú ấp 18, xã An Minh Bắc, H.U Minh Thượng, Kiên Giang) - 1 trong 2 nạn nhân trao đổi với Thanh Niên cho biết, sức khỏe của ông hiện tạm ổn và đã được công an cho về nhà.
"Sau 2 tuần trú tại cơ quan Công an H.Trần Văn Thời để phục vụ điều tra thì tôi được cho về nhà. Giờ tôi chỉ mong pháp luật trừng trị những người hành hạ tôi dã man nhiều tháng trên tàu cá với nhiều lần thừa sống, thiếu chết", ông Trung nói.
Bị đánh đến mức "7 phần chết, 3 phần sống"
Nhớ lại quá trình bị tra tấn mỗi này, ông Trung kể, trong chuyến đi biển công cho tàu cá của bà Phạm Thị Hà - chủ tàu cá, có khoảng 1,5 tháng đầu ông không bị đánh; 2,5 tháng còn lại ngày nào cũng bị đánh.
Lý do họ đánh ông là vì ông làm chậm chạp. Đến khi những người tham gia đánh ông nghĩ rằng ông sẽ chết nên cho ông quá giang tàu hàng vào đất liền để điều trị vết thương.
"15 năm đi làm ngư phủ, tôi chưa từng lội biển gỡ phao bị rối, nhưng Nguyễn Công Toàn (thường gọi là To, tài công, con chủ tàu cá) hôm đó kêu tôi lội, tôi không chịu thì To đạp tôi xuống biển.
Bị đạp xuống biển, tôi lội đi gỡ phao rối, xong quay lại tàu cá thì mọi người trên tàu không kéo tay tôi lên mà nắm đầu tôi kéo lên rồi thi nhau đánh tôi. Cũng từ đó về sau, họ hành hạ tôi như là thú vui của họ", ông Trung kể về lần đầu bị đánh.
Nạn nhân này kể tiếp: "Kể từ lần đầu bị đánh đó, đến ngày tôi quá giang tàu hàng vào bờ thì ngày nào tôi cũng bị đánh. Họ không đánh sáng thì đánh trưa, không trưa thì tối. Họ đánh bằng bất cứ cái gì có trên tàu, từ roi đuôi cá đuối, xẻng, vỏ xe đến dây thừng... nhất là họ nhậu say thì cứ lôi tôi ra đánh.
Thậm chí, khi mấy tàu cá cặp lại nhậu, ngư phủ tàu khác cũng vào vô đánh tôi. Có những lần tôi bị dùng roi cá đuối đánh, máu chảy đỏ cả người. Bị đánh chết đi sống lại mà không thể kêu cứu. Có hôm tôi quỳ van xin nhưng họ vẫn cứ đánh".
Đặc biệt, lần cuối bị đánh cũng chính là lần mà ông nhớ đời khi phải trải qua cảm giác thập tử nhất sinh trong quá trình đi biển.
Ông Trung kể tiếp: "Hôm đó, họ đổ nước sôi lên người tôi, dùng kìm bẻ răng, bẻ ngón tay. Chưa dừng lại, họ bắt tôi nằm xuống rồi dùng roi cá đuối quất tới tấp, máu chảy đỏ cả người tôi.
Do vết thương cũ chồng lên vết thương mới kéo dài khiến trận đòn chí tử hôm đó, mọi người nói tôi 7 phần chết, 3 phần sống nên họ cho tôi vào đất liền điều trị".
Nạn nhân bị đánh đến mức ai ngồi gần chừng 1m sẽ không chịu nổi vì mùi hôi thối từ những vết thương chằng chịt trên cơ thể bị nhiễm trùng, lở loét. Khi vào bờ, ông phải đi điều trị vết thương khoảng 1,5 tháng.
Hết đánh thì ép ăn cá sống, ăn trong thau của chó
Không chỉ dừng lại ở việc tra tấn lên cơ thể nạn nhân, các đối tượng còn hành hạ ngay trong chính bữa ăn hàng ngày. Theo ông Trung, trên tàu cá, ngoài việc lựa cá, phụ ngư phủ khác ướp cá thì ông còn nhận nhiệm vụ nấu cơm.
"Hằng ngày, khi tôi nấu cơm xong, dọn ra thì họ bắt tôi đi chỗ khác ngồi, khi nào họ ăn xong thì mới tới lượt tôi ăn. Nhưng họ lại đổ cơm vào thau dùng để cho chó ăn, không được rửa sạch, bắt tôi phải ăn. Có khi, họ bắt tôi nhịn đói 1- 2 ngày, may là họ cho tôi uống nước cầm hơi", ông Trung nhớ lại.
Tưởng chừng như chỉ bị hành hạ bằng cách đó, nhưng điều khiến ông phải khiếp sợ kinh hoàng hơn là bị chúng ép ăn cá sống, không ăn thì lại bị đánh tiếp.
Ông Trung thuật lại: "Tài công tên To bắt tôi ăn cá sống, không ăn thì đánh tôi. Khi tôi ăn mới nửa con là nôn ói không thể ăn tiếp nhưng To đá vô ngay chứng thủy gục đầu tại chỗ rồi tạt nước cho tôi tỉnh lại bắt ăn tiếp. Do bị đánh đau quá, tôi cố gắng ăn. To bắt tôi ăn cá sống 2 lần, lần đầu 6 con, lần thứ 2 là 11 con cá mắt lộ".
Bắt thêm kẻ thứ 5 dùng kìm tra tấn 2 ngư dân
Zing cho biết thêm, ngày 16/12 vừa qua, Công an huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam Lê Văn Của (ngụ Cà Mau) về tội Hành hạ người khác.
Như vậy, vụ ngư dân bị hành hạ trên tàu cá đã có 5 người bị tạm giam. Ngoài Lê Văn Của, 4 người còn lại là Sử Chí Tâm, Nguyễn Công Toàn (còn gọi là To, 33 tuổi), Đoàn Văn Hùng (44 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc) và Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi, ngụ xã Khánh Hải, huyện Trần Văn Thời).
Trong đó, Toàn là thuyền trưởng tàu cá BT 97993-TS, có vai trò chủ mưu trong việc hành hạ nạn nhân Trương Văn Trung (49 tuổi) và Lê Văn Bình (30 tuổi).
Trước đó, hồi tháng 5, ông Trung và anh Bình trình báo với cơ quan chức năng thị trấn Sông Đốc về việc bị nhiều người hành hung trên tàu cá. Hai nạn nhân trình bày đầu tháng 1, tàu cá BT 97993-TS xuất bến tại cửa biển Sông Đốc.
Trên tàu có 7 thuyền viên do Nguyễn Công Toàn (còn gọi là To, con bà Hà) làm thuyền trưởng. Các thuyền viên là Nguyễn Văn Hùng (38 tuổi), Đoàn Văn Hùng, Trương Văn Trung, Phạm Chí Cường, Nguyễn Văn Của và Nguyễn Văn Tỵ (34 tuổi)...
Vài ngày sau đó, một người không làm biển được nên đi nhờ tàu cá khác vào bờ. Lúc này, bà Hà đưa anh Bình ra làm việc cùng các thuyền viên khác.
Đến ngày 23/5, ông Trung bị Toàn và một số người dùng kìm bấm vào tai phải, bẻ gãy 4 cái răng, dập môi và gối chân phải. Ngày 24/5, ông Bình bị Toàn và Hùng đánh gây thương tích trên cơ thể tại vùng bả vai phải và gãy một cái răng.
Mãi tới sáng 22/11, ông Trương Văn Trung đã được tàu vận tải hàng hóa đưa vào cửa biển Sông Đốc. Nạn nhân sau đó được cán bộ điều tra đưa đến Trung tâm Pháp y tỉnh Cà Mau để giám định thương tích. Kết quả giám định ông Trung có tỷ lệ thương tật 48%.
Theo Đ.K (2sao/VietNamNet)