Mới đây, thị trường bảo hiểm đã xôn xao về vụ việc một khách hàng mua 19 hợp đồng tại 13 công ty bảo hiểm khác nhau. Theo thông tin từ Tin Nhanh Chứng Khoán, Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV) đã có công văn số 61/HHBH/2021, tố giác khách hàng N.V.Khánh (Hải Phòng) lên Cơ quan an ninh điều tra – Bộ Công An.
"Chúng tôi có những bằng chứng cho thấy N.V.Khánh đã biết trước mình bị K tuyến giáp (vì trước đó Khánh giả danh xưng tên là "Khanh" đã đến khám tại khoa bệnh dịch vụ Bệnh viện Quân y 108 Hà Nội, tại đây cho kết quả Khánh bị K tuyến giáp). Ngay sau đó chỉ trong một thời gian ngắn (từ tháng 10/2019 đến tháng 2/2020) Khánh che dấu việc mình đã bị bệnh để mua 19 hợp đồng bảo hiểm sức khoẻ mức cao nhất (theo đó, mỗi năm Khánh phải đóng trên 200 triệu đồng tiền phí bảo hiểm) tại 13 doanh nghiệp bảo hiểm nhằm mục đích yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm khi đã hợp pháp hoá hồ sơ bệnh án bằng cách đi khám và điều trị tại bệnh viện K Hà Nội", văn bản nêu rõ.
Trong 13 công ty bảo hiểm có cả nhân thọ và phi nhân thọ như Bảo hiểm Bảo Việt, Liberty, VBI, Prudential, Dai-ichi, Aviva, MB Ageas, Cathay, Generali. Sau khi mua bảo hiểm hơn 3 tháng, người này đã được Prudential, MB Ageas, Bảo hiểm Bảo Việt và VBI chi trả số tiền bảo hiểm gần 4 tỷ đồng. IAV cho rằng nếu không kịp thời điều tra làm rõ và ngăn chặn hành vi gian dối, trục lợi của khách hàng thì các công ty bảo hiểm còn lại sẽ phải tiếp tục chi trả số tiền bảo hiểm ước tính lên tới 20 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Trương Minh Cát Nguyên – Giám đốc Văn Phòng Luật sư Tila và Cộng sự, người đại diện được khách hàng đồng ý công khai chứng cứ, cung cấp những góc nhìn khách quan như sau:
"1. Khi đã có ý đồ thay đổi tên khi khám bệnh, nhằm có ý đồ gian lận bảo hiểm từ trước, thì tại sao khách hàng này không thay đổi toàn bộ họ và tên, mà chỉ thay mỗi dấu sắc, chỉ thay đổi thanh âm từ Khánh, thành Khanh?
2. Quy trình khám chữa bệnh của bệnh viện, có cho phép bệnh nhân được trực tiếp gõ tên lên hệ thống máy tính của bệnh viện để nhập họ tên? Hay các trợ lý, y tá, thư ký,… là những người có trách nhiệm của bệnh viện lập chứng từ?
3. Có khả năng lỗi người đánh máy đã không nhập tên đầy đủ, khiến cho một người tên Nguyễn Văn Khánh, thành là "Nguyễn Văn Khanh"?
Kết quả của BV 108 ghi là "Hình ảnh tế bào học NGHI NGỜ carsinoma tuyến giáp thể nhú. Đề nghị phẫu thuật làm xét nghiệm sinh thiết tức thì". Như vậy, căn cứ phiếu khám, có nghi vấn cao là ông Khánh - Khanh có thể bị K. Nhưng, để xác định chính xác đã bị K hay chưa, thì phải "phẩu thuật làm xét nghiệm sinh thiết".
Nói cách khác, theo ông Trương Minh Cát Nguyên, khách hàng chưa được bệnh viện khẳng định là "bị ung thư". Chưa kể, "theo Quyết định số 3879/QĐ-BYT ngày 30/9/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, để xác định một bệnh nhân chắc chắn bị ung thư thì phải căn cứ vào ‘xét nghiệm giải phẫu bệnh’, phải được một hội đồng chẩn đoán bệnh của bệnh viện kết luận, chứ không chỉ đơn thuần là kết luận của một vài bác sĩ hay các chỉ số xét nghiệm đặc thù, kể cả làm thủ thuật xét nghiệm tế bào. Bản thân khách hàng chưa từng làm ‘giải phẫu bệnh’ cho đến cuối tháng 3/2020, nên dù có đi khám trước đó thì cũng chỉ là người ‘có nghi vấn bệnh ung thư’. Các thông tin mà khách hàng nhận từ bác sĩ hay bệnh viện cũng chỉ là dạng thông tin nghi vấn, không thể là thông tin ‘chắc chắn đã biết bệnh ung thư’ như cáo buộc của IAV".
Trước khi tố giác lên Cơ quan điều tra – Bộ Công an, Hiệp hội Bảo hiểm cũng đã nộp đơn tố giác đến Công an Tp Hải Phòng.
"Điều đáng nói, các nội dung này, đã được Công an Thành phố Hải Phòng làm rõ trong suốt thời gian gần 1 năm, ngay sau khi ông Khánh tiến hành điều trị và nhận được khoản tiền chi trả bảo hiểm đầu tiên. Chúng tôi lưu ý rằng, việc nộp đơn tố giác khách hàng tội hình sự đến Công an TP Hải Phòng, đã diễn ra ngay trong thời gian mà ông Khánh đang điều trị bệnh ung thư được cho là giai đoạn cuối. Hành động này thật khó hiểu và nó cho thấy những người tiến hành cuộc tố giác khách hàng đã không để ý gì đến tình trạng sức khỏe của họ", luật sư Trương Minh Cát Nguyên nhận định.
Vụ việc hiện vẫn đang trong quá trình giải quyết.
Theo Ngọc Diệp (Pháp Luật & Bạn Đọc)