Mới đây mạng xã hội xôn xao chia sẻ một đoạn clip dài hơn 30 giây ghi lại cảnh 2 nhà sư cùng nhiều người dân đi phóng sinh cá hải tượng. Theo đoạn clip ghi lại thì con cá hải tượng có kích thước “khủng”, phải nhiều người mới bê nổi.
Thông tin trên Thanh Niên, anh B.B cho biết anh là người đã đăng tải clip lên mạng xã hội. Theo lời kể của anh B.B, đoạn video được quay đã vào hơn 2 tháng trước, trong một lần vô tình anh qua phà đi từ H.Bình Chánh (TP.HCM) hướng về Cần Giuộc (Long An).
“Bữa đó tôi vô tình quay được. Tôi được biết là con cá hải tượng long đó của một anh nào đó, vì nuôi lớn không muốn nuôi nữa nên mới thả đi. Thực ra không phải thả 1, mà có tới tận 6 con xuống sông, mỗi con khá lớn”, anh B. nói.
Việc thả phóng sinh cá hải tượng “khủng” xuống sông khiến cộng đồng mạng tranh cãi. Nhiều ý kiến cho rằng, hành động này vô tình đe doạ đến sự sống của các loài cá khác, gây mất cân bằng sinh thái, đi ngược lại với ý nghĩa của việc thả cá phóng sinh.
Thậm chí có người còn nhận định, loài cá này với bản tính hung dữ, chiều dài có thể lên tới 4m, nặng 200kg còn là mối nguy hiểm đối với con người.
Trao đổi với báo này vào trưa nay 15/8, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, Tổng cục Thủy sản đã nắm được thông tin về vụ thả phóng sinh cá hải tượng ra môi trường xảy ra tại TP.HCM.
“Sáng nay tôi đã gọi điện trực tiếp cho Thanh tra Chi cục thủy sản TP.HCM để yêu cầu vào cuộc xác minh làm rõ xem vụ thả cá phóng sinh này xảy ra ở chỗ nào và có những ai tham gia” ông Luân nói.
Liên quan đến sự việc này, báo Infonet dẫn thông tin từ ông Lê Trần Nguyên Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Bảo tồn và Phát triển nguồn lợi thủy sản (Tổng cục Thuỷ sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết ông đã xem qua hình ảnh thả phóng sinh cá hải tượng và thấy rằng đây là hành động phản cảm, thậm chí vi phạm quy định của pháp luật.
Ông Hùng cho biết, cá hải tượng là sinh vật ngoại lai, không nằm trong danh mục được nuôi tại Việt Nam. Cá hải tượng có nguồn gốc từ Nam Mỹ. Cá hải tượng có đặc tính hung dữ, ăn tạp, ăn các loài cá, tôm. Nếu thả cá này ra môi trường sẽ ảnh hưởng đến các loài khác, làm mất cân bằng sinh thái ở một vùng nước nào đấy.
“Việc thả vào tự nhiên không phải loài nào cũng được thả và ở đâu cũng thả được. Tuỳ theo vùng nước khác nhau mà thả các loài khác nhau và thả các loài nguy cấp, quý hiếm. Còn những sinh vật ngoại lai ăn tạp như cá hải tượng thì không được thả”, ông Hùng nhấn mạnh.
Cũng theo ông Hùng, việc thả các loài ngoại lai nhập khẩu là vi phạm quy định của pháp luật. Điều này đã được quy định tại Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường. Theo đó, các hành vi vi phạm về bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học có thể bị xử phạt hành chính hoặc phải thực hiện nhiều biện pháp khắc phục hậu quả.
Hải tượng long, tên khoa học là Arapaima, còn được biết đến là loài cá bá chủ sông Amazon. Tính đến thời điểm hiện tại đây cũng chính là loài cá nước ngọt lớn nhất trên thế giới.
Được biết Hải Tượng Long được mệnh danh là “thủy quái Amazon" có thể dài đến 4 m và nặng đến 200 kg, theo đài NBC2. Đáng nói, cá Hải Tượng Long chuyên săn bắt những sinh vật sống để ăn thịt và là nỗi khiếp sợ của nhiều loài cá nhỏ hơn.
Theo Viện Smithsonian, Hải Tượng Long là loài cá săn mồi hung dữ, có thể ăn bất cứ con mồi nào vừa miệng, bao gồm cá, chim, bò sát và động vật có vú nhỏ.
HL (Nguoiduatin.vn)