Thời gian qua, học sinh cả nước bước vào kỳ thi cuối học kỳ I và kỳ thi học sinh giỏi các cấp. Sau mỗi kỳ thi, đề thi môn Ngữ văn luôn nhận được sự quan tâm của dư luận.
Mới đây, đề thi Ngữ văn cuối học kỳ I dành cho học sinh lớp 12 của Trường THPT Nguyễn Văn Linh (Hưng Yên) đã trích lời bài hát trong ca khúc "Đi về nhà" của ca sĩ Đen Vâu.
Về ngôi nhà có góc vườn nhiều chó nhiều gà
Đám bạn nói con khó chiều
Và lại thích gió trời hơn gió điều hòa
Về ăn cơm mẹ nấu, về mặc áo mẹ may
Về đưa ba ra chợ mua cây đào cây mai về bày
Cả năm trời làm việc nhiều khi rã rời như cái máy
Về nhà thấy áp lực nhẹ như bấc thổi cái là bay
Ấm êm hơn bếp lửa, ngọt bùi hơn lúa non
Nhà vẫn luôn ở đó, mong chờ những đứa con
Dẫu cho mưa cho nắng vẫn không bao giờ nề hà
Hạnh phúc chỉ đơn giản là còn được về nhà
Hạnh phúc, đi về nhàCô đơn, đi về nhà
Thành công, đi về nhà
Thất bại, đi về nhà
Mệt quá, đi về nhà
Mông lung, đi về nhà
Chênh vênh, đi về nhà
Ngữ liệu của đề thi được nhận định là khá hay, nhiều ý nghĩa với phần lời gần gũi, giản dị.
Câu hỏi yêu cầu với học sinh cũng dễ hiểu, phù hợp như: "Nêu tác dụng của biện pháp tu từ chính được tác giả sử dụng trong đoạn: "Hạnh phúc, đi về nhà/ Cô đơn, đi về nhà/ Thành công, đi về nhà/ Thất bại, đi về nhà".
Trước đó, hồi đầu năm học, đề thi chọn học sinh giỏi lớp 10 của Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh (Phú Yên) đã trích dẫn câu nói của ông Donald Trump: “Dù sao bạn cũng phải nghĩ, tại sao không nghĩ lớn?"- và yêu cầu học sinh viết một bài văn với chủ đề: "Nghĩ lớn để thành công" khiến học sinh thích thú.
Đề thi xuất hiện vào thời điểm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nên được đánh giá là mang tính thời sự.
Thầy Hồ Tấn Nguyên Minh, Tổ trưởng tổ Ngữ Văn, Trường THPT Chuyên Lương Văn Chánh, người ra đề thi, cho biết câu nói của ông Trump được trích từ cuốn sách nổi tiếng của ông là “Nghĩ lớn để thành công”.
"Sở dĩ tôi ra đề này là vì câu nói của ông Trump chứa đựng một thông điệp sâu sắc, khuyên chúng ta nên vượt khỏi những suy nghĩ tầm thường, tủn mủn, hạn hẹp để mở rộng tư duy, hướng đến những ý tưởng lớn lao, mơ những giấc mơ vĩ đại"- thầy Minh nói.
Những đề thi Văn khiến dư luận xôn xao
Ngoài đề thi được đánh giá hay, có yếu tố mới, lạ thì một số đề thi Ngữ văn khác đã gây xôn xao dư luận. Mới đây, phần đọc hiểu trong đề kiểm tra môn Ngữ văn lớp 9 cuối học kỳ I của Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê, Gia Lai đã trích 1 câu chuyện được cho là không trong sáng và có phần dung tục.
"Mẹ chồng và con dâu nhà kia chẳng may đều góa bụa. Mẹ chồng dặn con dâu “Số mẹ con mình rủi ro, thôi thì cắn răng mà chịu”. Không bao lâu sau, mẹ chồng có tư tình, con dâu nhắc lại lời dặn của mẹ thì mẹ chồng đã trả lời: “Mẹ dặn là mẹ dặn con, chứ mẹ già rồi, có còn răng đâu nữa mà cắn”.
Một giáo viên dạy Văn ở TP.HCM khi đọc đề đã rất bất bình. Giáo viên này cho rằng, ngữ liệu của đề thi không thể chấp nhận được.
“Đây là một đề thi cẩu thả, chứng tỏ giáo viên ít đầu tư cho chuyên môn và ít đầu tư trong ra đề thi”- nữ giáo viên nói.
Sau khi xem xét, Phòng GD-ĐT huyện Chư Sê xác định, mức độ vụ việc chưa đến mức kỷ luật nên đã kiểm điểm giáo viên ra đề, đồng thời yêu cầu rút kinh nghiệm sâu sắc.
Trong khi đó, đề thi học sinh giỏi Ngữ văn lớp 9 cấp thành phố Hà Nội có ý kiến trái chiều với chi tiết "Khóc giùm".
“Cô bé đi học về muộn, cha mẹ rất lo lắng. Khi thấy con gái về người mẹ nhẹ nhàng hỏi: Con đã đi đâu và làm gì? Con dừng lại giúp bạn con ạ! Xe đạp của bạn ấy bị hỏng- cô bé trả lời. Nhưng con đâu có biết sửa xe đạp. Đúng ạ! Con dừng lại để giúp bạn ấy khóc”.
"Chưa nói tới ngữ liệu, đề thi lấy một câu chuyện dẫn link là không đúng vì đường link có thể biến mất. Sự thật, khi người đọc kiểm tra thì đây là đường link 'ma'. Thứ hai, thật vô lý khi lại đưa một trích đoạn trong đó có ngữ liệu “giúp bạn khóc”- một điều chưa từng có trong văn học và đời sống vào đề thi học sinh giỏi" - một giáo viên dạy Ngữ văn có nhiều năm kinh nghiệm chia sẻ.
Theo Minh Anh (VietNamNet)